Ngân hàng vay mượn nhau tăng 14%, lãi suất "vọt" lên cao nhất 2 tháng

13/05/2021 08:05 GMT+7
Bình quân mỗi ngày các ngân hàng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng. Kéo theo đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay.

Ngân hàng vay mượn nhau hơn 147.000 tỷ đồng/ngày

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần (tính đến ngày 7/5), bằng VND đạt xấp xỉ 569.617 tỷ đồng, bình quân 113.923 tỷ đồng/ngày. Con số này tăng 14.072 tỷ đồng/ngày so với tuần 26/4 - 29/04.

Trong khi đó, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 165.997 tỷ đồng, bình quân 33.199 tỷ đồng/ngày, tăng 854 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Như vậy bình quân mỗi ngày các tổ chức tín dụng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng, tăng gần 15.000 tỷ mỗi ngày tương đương tăng hơn 14% so với tuần liền trước.

Ngân hàng vay mượn nhau hơn 147.000 tỷ mỗi ngày, lãi suất "vọt" lên cao nhất 2 tháng - Ảnh 1.

Ngân hàng vay mượn nhau hơn 147.000 tỷ mỗi ngày, lãi suất "vọt" lên cao nhất 2 tháng

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (78% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 01 tuần (8% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 72% và 15%.

Lãi suất liên ngân hàng vọt lên cao nhất 2 tháng

Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ so với mức lãi suất tuần trước, cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 1,13%/năm, 1,23%/năm và 1,26%/năm.

Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, từ ngày 29/4 đến 7/5/2021, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt là 0,31%; 0,23% và 0,21% lên mức 1,21%; 1,35% và 1,41%/năm.

Ngân hàng vay mượn nhau hơn 147.000 tỷ mỗi ngày, lãi suất "vọt" lên cao nhất 2 tháng - Ảnh 2.

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng thời gian gần đây

Theo BVSC, lãi suất liên ngân hàng của 3 kỳ hạn này đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%/năm). Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay.

Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng tăng như trên, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất hỗ trợ trên kênh cầm cố mà Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra (2,5%). Do đó, nhà điều hành chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi phiên, song không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận khoản vốn này.

Lý giải về nguyên nhân, công ty chứng khoán này cho rằng: Lãi suất liên ngân hàng tăng có thể liên quan tới việc tín dụng có tăng tương đối mạnh trong thời gian vừa qua.

Tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020.

Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%.

Cầu vốn tăng mạnh trong khi mức tăng cung vốn lại thấp hơn, không đáp ứng nhu cầu, nhiều khả năng đã tạo áp lực lên diễn biến của lãi suất liên ngân hàng.

Tuy nhiên, chuyên gia của BVSC cũng nhận định, với các diễn biến phức tạp trở lại của dịch Covid-19 với làn sóng thứ 4 diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm có diễn biến ổn định trở lại.

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng đầu tuần này (10-15/5) tiếp tục duy trì mặt bằng của cuối tuần trước.

Ngày 10/5/2021, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 1,24%/năm; kỳ hạn 1 tuần là 1,36%/năm; kỳ hạn 2 tuần là 1,34%/năm.

Lãi suất gửi tiết kiệm trái chiều

Trong khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, tính tới cuối tháng 4, lãi suất gửi tiết kiệm gần như đi ngang so với tháng trước đó.

Theo mẫu thống kê của BVSC, lãi suất gửi tiết kiệm trung bình tăng nhẹ 0,02-0,03%/năm đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng. Diễn biến tăng chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hóa nhỏ (dưới 5 nghìn tỷ đồng), với mức tăng 0,06%/năm ở cả 2 loại kỳ hạn.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh tiếp tục duy trì mức lãi suất huy động của tháng trước đó. Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn hóa lớn (trên 5 nghìn tỷ đồng) gần như không thay đổi, khi tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng.

Ngân hàng vay mượn nhau hơn 147.000 tỷ mỗi ngày, lãi suất "vọt" lên cao nhất 2 tháng - Ảnh 4.

Tổng hợp biểu lãi suất của các ngân hàng

Bước sang tháng 5, lãi suất gửi tiết kiệm đã có sự điều chỉnh trái chiều giữa một số ngân hàng ngay trong tuần đầu tiên.

Đơn cử như tại SHB, lần điều chỉnh này đưa lãi suất cao nhất của ngân hàng này lên 6,6%/năm đối với tiền gửi online hoặc gửi tiết kiệm tự động từ 36 tháng trở lên.

Còn với tiền gửi dưới 2 tỷ đồng trong kỳ hạn từ 1-3 tháng tại SHB, lãi suất dao động từ 3,4 - 3,7%/năm thay vì mức 3,35 - 3,5%/năm như trước đó; tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng cũng nhích tăng từ mức 5 - 5,2%/năm lên thành 5,2 - 5,4%/năm.

Tương tự, ACB cũng tăng lãi suất 0,05-0,3 điểm phần trăm.

Ngược lại, lãi suất tiết kiệm được điều chính giảm tại một vài kỳ hạn khi gửi tiết kiệm tại Kienlongbank (KSBank) và NamABank.

Chẳng hạn, tại NamABank, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 1-3 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm là 6,9% khi gửi online (cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường) giảm xuống chỉ còn 6,7%/năm.

Tại KSBank, lãi suất huy động lại giảm nhẹ 0,1% với nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm cao nhất giảm từ 6,85%/năm xuống còn 6,75%/năm cho tiền gửi 18, 24 và 36 tháng. Lãi suất gửi tiết kiệm từ 1 - 3 tháng hiện còn 3,1 - 3,4%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng từ 5,6 - 5,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng đến dưới 18 tháng dao động từ 6,5 - 6,7%/năm.

H.Anh
Cùng chuyên mục