Ngân hàng vẫn tự tin lãi lớn trong "chiếc áo" tín dụng "chật chội"

25/03/2021 15:43 GMT+7
Trong 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, “chiếc áo” tín dụng có phần “chật chội” hơn so với các năm liền trước, thậm chí chỉ vào khoảng 7 - 8% nếu Covid-19 kéo dài đến hết năm.

"Chiếc áo" tín dụng "chật chội", kịch bản xấu tăng trưởng tín dụng chỉ 7-8%

Nếu như các năm trước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đều giữ ở mức 14%, thì năm 2021 mục tiêu này giảm xuống chỉ còn 12% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Với mục tiêu có phần khiêm tốn hơn, mới đây Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2021 ứng với tình hình diễn biến Covid-19.

Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý 1 và tiêm chủng vaccine đại trà.

Ngân hàng vẫn tự tin lãi lớn trong "chiếc áo" tín dụng "chật chội" - Ảnh 1.

Các ngân hàng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống QI/2021 sẽ đạt 3,6% và tăng 13% trong cả năm 2021.

Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine.

Tại kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.

Trong 3 kịch bản, cơ quan quản lý kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.

"Dù kịch bản 3 chắc không xảy ra, nhưng chúng tôi phải đưa ra phương án xấu nhất để có thể chủ động trong điều hành", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Trước đó, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2021 do Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) thực hiện cho thấy, các ngân hàng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống quý đầu tiên của năm 2021 sẽ đạt 3,6% và tăng 13% trong cả năm. Ngoại trừ nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn, hầu hết nhà băng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Theo tìm hiểu, hiện một số ngân hàng thương mại đã được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 (đợt 1). Cũng như mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn, "chiếc áo" tín dụng được cấp năm nay của một số ngân hàng có phần "chật chội" hơn so với năm ngoái.

Đơn cử như BIDV, năm 2020 nhà băng này được cấp hạn mức lên tới 9% (đợt 1), trong khi đó năm 2021 chỉ giao động trong khoảng 6,5-7,5%. Tương tự, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước như Agribank, VietinBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 6,5-7,5%, riêng Vietcombank là 10,5%.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đợt 1 cho một số ngân hàng nói trên thể hiện sự thận trọng của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia tại thời điểm này.

Ngân hàng "xoay sở" thế nào để lãi lớn năm 2021?

Trong khi "chiếc áo" tín dụng có phần khiêm tốn hơn, nhiều ngân hàng vẫn "tham vọng" lãi lớn trong năm 2021 này.

Đơn cử như MBB, nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 25 - 30% so với năm 2020, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng; với OCB, mục tiêu LNTT năm 2021 tăng khoảng 15%, đạt 5.560 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức vào ngày 24/03 tại TPHCM, MSB công bố LNTT quý I ước đạt 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ngân hàng này đưa ra kế hoạch LNTT cả năm nay ước đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30%.

Các ngân hàng khác cũng kỳ vọng lợi nhuận năm nay tăng trưởng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ. Thậm chí, SHB của bầu Hiển còn tham vọng tăng trưởng tới 70% LNTT trong năm 2021 này.

Ngân hàng "xoay sở" mong lãi lớn trong "chiếc áo" tín dụng "chật chội" - Ảnh 3.

Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao khi tăng trưởng tín dụng bị "siết"

Câu hỏi đặt ra , trong bối cảnh room tín dụng khiêm tốn, ngân hàng "xoay sở" thế nào để lãi lớn?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông BIDV đã chính thức thông qua kế hoạch kinh doanh, trong đó mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020 – cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của nhà băng này.

Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, dự kiến thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%; các khoản thu phi lãi, tăng khoảng 16-17%. Thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ.

Động lực tăng trưởng sẽ là tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn. Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng CASA lên tối thiểu 16%. Trích lập dự phòng năm nay mục tiêu khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng một chút so với năm 2020 do môi trường bất định bởi Covid-19.

Hay như trường hợp của MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng 30% LNTT năm 2021 là khả thi vì lợi nhuận quý I/2021 của ngân hàng rất tốt.

Ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 290 tỷ đồng). ROE và ROA đạt lần lượt 1,5% và 10,3%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Năm 2021, bên cạnh các mảng kinh doanh cốt lõi, ngân hàng sẽ tập trung phát triển hoạt động bán chéo bảo hiểm, tạo nguồn thu lãi tăng trưởng đều 30% qua các năm. Mới đây, ngân hàng này cũng đã ký hợp tác chiến lược với Prudential trong vòng 15 năm.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ tập trung vào mảng năng lượng sạch và các ngành nghề ít ảnh hưởng bởi dịch Covid, hạn chế tăng trưởng tín dụng bất động sản theo chỉ đạo của NHNN.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận cao, trong khi đó phần lớn nguồn thu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn đến từ hoạt động tín dụng. "Đây sẽ là thách thức nhưng cũng sẽ là cơ hội khẳng định "bản lĩnh". Muốn về đích, tất nhiên các ngân hàng biết được cách "xoay sở" để hoạt động hiệu quả hơn. Mỗi ngân hàng có các thế mạnh khác nhau nên cũng sẽ có động lực để "về đích" lợi nhuận khác nhau", vị này nhấn mạnh.

Với nhiều thông tin lạc quan về triển vọng của nhóm ngân hàng trong năm 2021, và dựa trên mục tiêu lợi nhuận các ngân hàng đặt ra trong năm 2021, Khối phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán SSI ước tính, LNTT ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 24% trong năm 2021.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục