Ngân sách nhà nước thâm hụt mạnh, Indonesia sắp đưa 14 DNNN lên sàn

17/09/2021 06:30 GMT+7
Indonesia đang lên kế hoạch niêm yết công khai (IPO) 14 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (DNNN) trong năm 2022 nhằm cải thiện công tác quản lý cũng như lấp đầy ngân sách chính phủ đang thâm hụt do các gói hỗ trợ Covid-19 khổng lồ trong thời gian qua.

Indonesia hiện có hơn 100 DNNN, trong đó, 34 doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, chủ yếu là các mã cổ phiếu trong những ngành công nghiệp chủ chốt như giao thông vận tải và năng lượng. 

Khi làn sóng IPO bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng, chính phủ Indonesia tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để huy động dòng tiền đầu tư thông qua IPO các DNNN. Mới đây nhất, một công ty vận chuyển nhiên liệu hóa thạch và một công ty năng lượng địa nhiệt vừa được chính phủ đưa vào danh sách 14 công ty sở hữu nhà nước có kế hoạch IPO vào năm 2023.

Mặc dù có mục tiêu giữ lại đa số cổ phần trong các DNNN, Jakarta kỳ vọng việc IPO sẽ cải thiện hoạt động quản lý bằng cách nới rộng khoảng cách giữa doanh nghiệp với chính phủ cũng như khiến các nhà điều hành doanh nghiệp nhận thức được vai trò của các cổ đông thiểu số.

Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Indonesia, ông Erick Thohir hồi đầu năm nay nhận định động thái IPO DNNN là cần thiết để thúc đẩy cạnh tranh cởi mở. Ông Thohir hiện đang đứng đầu mảng quản lý doanh nghiệp niêm yết tại Bộ Doanh nghiệp Nhà nước. Sở giao dịch chứng khoán Indonesia yêu cầu các công ty muốn niêm yết phải có các thông lệ quản trị doanh nghiệp thỏa mãn nhiều điều kiện như bổ nhiệm các bên độc lập bên ngoài vào hội đồng quản trị và ủy ban kiểm toán. Do đó, thông qua hoạt động IPO, việc huy động vốn sẽ củng cố công tác quản trị doanh nghiệp, khuyến khích DNNN thích nghi với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hơn.

Ngân sách nhà nước thâm hụt mạnh, Indonesia sắp đưa 14 DNNN lên sàn - Ảnh 1.

Pertamina International Shipping, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc doanh Pertamina là một trong 14 DNNN sắp lên sàn (Ảnh: Reuters)

Vòng IPO mới nhất dự kiến sẽ khởi động vào mùa thu năm nay trên Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia. Các chi tiết như lượng cổ phiếu phát hành chưa được công bố. 3 đợt IPO mới nhất được công bố sẽ diễn ra vào năm 2022, với 3 công ty con của các DNNN.

Cái tên đầu tiên là Pertamina International Shipping, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc doanh Pertamina. Công ty này sở hữu hơn 350 tàu vận chuyển xăng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Trong bối cảnh thị trường khí hóa lỏng Đông Nam Á đang trở nên ngày một nhộn nhịp, Pertamina International Shipping đang đặt mục tiêu mở rộng đội tàu trong những năm tới.

Một đơn vị khác trực thuộc Pertamina, Pertamina Geothermal Energy cũng sẽ niêm yết vào năm 2022. Công ty đang xem xét việc mở rộng các nhà máy địa nhiệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo trong khu vực và trên toàn cầu.

Dayamitra Telekomunikasi, một công ty con trực thuộc tập đoàn viễn thông khổng lồ Telekomunikasi Indonesia cũng sẽ được đưa vào danh sách IPO trong quý IV năm nay với kế hoạch huy động khoảng 1 tỷ USD. Dòng tiền huy động được dự kiến sẽ dùng để đầu tư vào lĩnh vực viễn thông 5G sắp ra mắt trong năm nay.

Ngoài ra, các công ty còn lại trong danh sách 14 công ty có kế hoạch IPO bao gồm các công ty nằm trong những ngành tăng trưởng được chỉ định như xe điện, chăm sóc sức khỏe… 

Chính phủ Indonesia kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ làn sóng IPO hiện tại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trước đó, hồi đầu tháng 8, kỳ lân bán lẻ Bukalapak đã IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Tập đoàn GoTo - hợp nhất của Gojek và Tokopedia cũng đang xem xét kế hoạch IPO.

Việc niêm yết 14 DNNN cũng được đưa ra trong bối cảnh ngân sách chính phủ Indonesia thâm hụt nặng nề sau các gói kích thích, cứu trợ Covid-19 khổng lồ kéo dài hơn một năm qua. Thâm hụt ngân sách của Indonesia đã lên tới 6% tổng sản phẩm quốc dân vào năm ngoái. Mặc dù quy tắc giữ thâm hụt ngân sách trong phạm vi 3% GDP đã bị tạm đình chỉ do tình huống đại dịch, nhưng nó sẽ được khôi phục kể từ năm 2023. Việc không đạt con số mục tiêu 3% có thể  ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của Indonesia. Ngoài ra, các khoản chi tiêu ngày một tăng cho bảo hiểm xã hội do dân số già cũng đang thúc đẩy Jakarta tái cân bằng ngân sách nhà nước. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách huy động dòng vốn của khu vực tư nhân khi sự quan tâm từ các nhà đầu tư tư nhân đến thị trường IPO tăng vọt.

Cổ tức và thuế từ các DNNN chiếm khoảng 1/5 tổng thu thuế của Indonesia trong năm 2019. Khả năng sinh lời cao hơn của các DNNN có thể chuyển đổi thành doanh thu cổ tức và thuế tăng, qua đó đóng góp vào ngân sách nhà nước.

“Nếu màn IPO của các công ty khởi nghiệp, kỳ lân công nghệ cũng như các DNNN đạt thành công như kỳ vọng, điều này sẽ tạo tâm lý tích cực với thị trường vốn Indonesia cũng như thu hút dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán quốc gia” - nhận định của ông Toto Pranoto, nhà kinh tế cao cấp tại Đại học Indonesia và là nhà quan sát các DNNN kỳ cựu.


NTTD
Cùng chuyên mục