Ngành gỗ Việt đang có nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 3,788 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 2,29 tỷ USD, tăng tới 77,02% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ (tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2020 là 50%).
Theo nhận định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều đó cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro khi Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành hàng này của Trung Quốc.
Cụ thể, thời gian qua, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55% đến gần 200% đối với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ,… xuất xứ từ Trung Quốc.
Với động thái trên từ Mỹ, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyến hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế. Trong đó, Việt Nam đang nhận định là điểm "trung chuyển" của nước này.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 729 triệu USD mặt hàng gỗ, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 225 triệu USD, tăng trên 50%, chiếm 31% tổng giá trị nhập khẩu.
Trước tình trạng trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, các mặt hàng nhập nhiều từ Trung Quốc gồm gỗ dán 49,27 triệu USD tăng 71%; khung ghế gỗ sofa 36,70 triệu USD, tăng 46%; bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm nhập 30,17 triệu USD, tăng 41% đều là các mặt hàng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp khi xuất khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng chỉ ra các chiêu thức của doanh nghiệp nhập gỗ tại Trung Quốc là nhập một số bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm (những mặt hàng rủi ro cao) từ Trung Quốc về Việt Nam.
Trước nguy cơ bị Mỹ điều tra, áp thuế chống bán phá giá, mới đây Hiệp hội đã có văn bản đề nghị liên Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ. Qua đó, đề phòng sớm nguy cơ bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.