Nghe lời “có cánh”, nguy cơ trắng tay vì ủy thác đầu tư, góp vốn
Chị P.T.L (Hà Nội) cho biết, hơn 300 triệu đồng góp vốn vào Công ty CP tập đoàn liên doanh Hồng Thái (GoGo) đang có nguy cơ mất trắng.
Nguy cơ "tay trắng" từ ủy thác đầu tư, góp vốn
Theo đó, tháng 6/2019, khi được một người bạn giới thiệu mô hình đầu tư sinh lời rất cao, gấp 3,4 lần gửi tiền vào ngân hàng, chị rất tin tưởng và quyết định đầu tư.
"GoGo cam kết trả lãi góp vốn lên đến 40% vào cuối kỳ hợp đồng. Và sau khi hết thời hạn hợp tác, sẽ nhận lại được vốn đầu tư ban đầu", chị L cho hay.
Người bạn này liên tiếp đưa ra các hình ảnh chứng thực lợi nhuận, đảm bảo đầu tư vào GoGo sẽ trả được khoản nợ mà chị L đang vay ngân hàng, thậm chí có thể mua thêm được căn hộ mới. Tin tưởng bạn, chị L sử dụng 300 triệu đồng để nạp vào tài khoản của GoGo. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hạn hợp tác góp vốn, chị L vẫn chưa nhận được tiền hoàn vốn cũng như lãi suất như cam kết trước đó.
Xét ở một khía cạnh nào đó, trường hợp của chị L tương tự như vụ việc cam kết lợi nhuận của dự án Cocobay Đà Nẵng. Cụ thể, chủ đầu tư là Công ty Thành Đô khi chào bán dự án đưa ra điều khoản cam kết lợi nhuận ở mức 12% nếu khách hàng giao lại Condotel cho chủ đầu tư kinh doanh.
Thậm chí, tại thời điểm đó, Tổng giám đốc của một tập đoàn bất động sản lớn có dự án Condotel ở khá nhiều tỉnh thành đã khẳng định: "lợi nhuận cam kết 10% với Condotel là không khó. Chỉ cần tỷ lệ cho thuê lấp đầy lên tới 40% là đủ để trả cho khách hàng khoản cam kết này".
Thế nhưng, cam kết lợi nhuận vẫn "gãy" vì người hứa không thể thực hiện được. Với viễn cảnh tạo ra thu nhập thụ động khi dòng tiền đi vào cao hơn là dòng tiền đi ra (trả lãi ngân hàng để mua căn hộ).
Thực tế, khi thị trường xảy ra khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ không bán được hàng, doanh nghiệp sẽ mất khả năng trả nợ. Lúc đó nhà đầu tư muốn đòi lại vốn cũng khó chứ chưa nói đến việc trả lãi.
Kiểm soát lòng tham và cần chế tài đủ mạnh
Tìm hiểu trên thị trường có thể thấy, có nhiều loại hình đầu tư khác nhau, từ thị trường cổ phiếu trong nước, ngoài nước, đến thị trường vàng, trái phiếu, tài chính, đầu tư xuất khẩu... cho đến đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên, trong số đó không ít loại hình "biến tướng" và có dấu hiệu lừa đảo. Từ đó, đã để lại hệ lụy rất lớn cho nhiều gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dù biến tướng cỡ nào, việc nhận diện cũng không khó bởi chúng có những đặc điểm khá giống nhau đó là đưa ra mức lợi nhuận rất cao và rủi ro thấp. "Chỉ cần ai đưa ra mức cam kết lời gấp 3 lần lãi suất ngân hàng là có "mùi" lừa đảo", chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eang chia sẻ.
"Số lượng những cá nhân chiến thắng được thị trường là rất nhỏ, sao không tự đặt câu hỏi lợi nhuận họ cao như thế rồi còn huy động thêm làm gì?", ông Khánh nói và cho rằng những kiểu lừa đảo trên vốn không thể tồn tại lâu (thường chỉ được vài tháng tới tối đa 1- 2 năm), nên họ luôn cố gắng tìm mọi cách đưa ra lợi nhuận cao nhất, với những lời lẽ hoa mỹ nhất đánh vào lòng tham, để nhiều người nộp tiền cho họ nhanh nhất có thể, với thời gian sớm nhất để dự án có thể… bùng sớm.
Để không "sập bẫy", ngoài việc nâng cao nhận thức của bản thân, kiểm soát lòng tham, cảm xúc trước những mời chào hấp dẫn của những tay lừa đảo, thì hiện nay, pháp luật dù đã quy định khá nhiều về xử phạt các loại hình này, nhưng cần phải được cập nhật để thích ứng với sự biến thể với nhiều phiên bản lừa đảo ngày càng mới, nhằm ngăn chặn loại tội phạm trên.
Ngoài ra, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các hình thức lừa đảo ngày càng lắt léo, phức tạp dạng này. Cần mạnh tay xử lý, có chế tài mạnh mẽ góp phần răn đe và dập tắt những manh nha lợi dụng tình thế khó khăn, cũng như lòng tham của người khác để trục lợi. Hiện số lượng vụ xử lý được là khá nhỏ, nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để lại đẻ ra dự án khác, tiếp tục đi lừa.