Nghị sĩ Anh cảnh báo về ý đồ của Trung Quốc khi thâu tóm hàng loạt công ty chip trên toàn cầu

17/07/2021 15:55 GMT+7
Một nhà lập pháp Anh mới đây cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng các phương pháp không lành mạnh trong nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ chip bán dẫn.

Duncan Smith, một thành viên Quốc hội Anh đồng thời là cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ mới đây cho hay Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu thống trị toàn cầu trong lĩnh vực chip bán dẫn. “Trung Quốc đang bận rộn đánh cắp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và mua lại các công ty” - ông này cáo buộc

Hiện nay, các tên tuổi lớn trong ngành chip bao gồm TSMC (Đài Loan, Trung Quốc), Samsung (Hàn Quốc) và Intel (Mỹ).

Trong quá khứ, Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ. Hồi năm 2018, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng lên tiếng phản đối cáo buộc của Mỹ và các đồng minh chỉ trích nước này có hoạt động gián điệp kinh tế. Đầu năm nay, Trung Quốc đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt với một số cá nhân và tổ chức của Anh cũng như EU, trong đó Duncan Smith - một nghị sĩ nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc - cũng nằm trong danh sách trừng phạt.

Nghị sĩ Anh cảnh báo về ý đồ của Trung Quốc khi thâu tóm hàng loạt công ty chip trên toàn cầu - Ảnh 1.

Duncan Smith, một thành viên Quốc hội Anh đồng thời là cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc (Ảnh; Getty Images)

Cáo buộc của ông Smith được đưa ra tại thời điểm ít lâu sau khi Nexperia của Trung Quốc xác nhận ý định mua lại nhà sản xuất chip lớn nhất vương quốc Anh Newport Wafer Fab (NWF). Người phát ngôn của Nexperia cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Newport Wafer Fab và chính quyền xứ Wales về tương lai của Newport Wafer Fab. Cho đến khi có kết luận cuối cùng, chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận nào thêm”.

Nhà máy chip Newport Wafer Fab được thành lập từ năm 1982 và là một trong số ít công ty chế tạo chip của Anh. Trụ sở Newport Wafer Fab hiện đặt tại Newport, South Wales.

Thỏa thuận mua lại Newport Wafer Fab được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu khiến các quốc gia nỗ lực tự lực hóa chuỗi cung ứng chip. Phần lớn nguồn cung chip toàn cầu hiện được sản xuất ở châu Á với nhà máy chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc) và hãng chip trực thuộc gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung. SMIC của Trung Quốc cũng được xem là một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất mặc dù công nghệ chip của SMIC chưa thể bắt kịp TSMC và Samsung.

Một số công ty chip châu Âu khác, chẳng hạn Imagination Technologies của Anh, Linxens của Pháp và Ampleon của Hà Lan trong những năm gần đây cũng đã về tay các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn, một phân tích cho thấy.

Chính phủ Anh ban đầu cho biết không có kế hoạch can thiệp vào thương vụ Nexperia mua lại NWF, nhưng vào tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay cố vấn an ninh quốc gia Stephen Lovegrove sẽ trực tiếp xem xét thỏa thuận. “Chúng tôi sẽ đánh giá xem liệu những gì họ đang tiến hành có mang lại giá trị sở hữu trí tuệ hay lợi ích nào với Trung Quốc, hoặc có gây ra rủi ro an ninh thực sự hay không”.

Trong khi thương vụ đang được xem xét, Bộ trưởng Kinh doanh Vương quốc Anh Amanda Solloway vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ hiện chưa có kế hoạch can thiệp vào thương vụ trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, nghị sĩ Duncan Smith cho rằng chính phủ Anh lẽ ra nên sử dụng Dự luật Đầu tư và An ninh Quốc gia vừa được đưa ra hồi tháng 4 để ngăn chặn thương vụ này. “Tôi tự hỏi trong quá trình đưa ra những quyết định thất bại đó, họ có xem xét những gì Trung Quốc đang tham vọng ở lĩnh vực chip bán dẫn hay không. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và giờ đây, họ đang bận rộn mua lại các công ty chip ở bất cứ đâu mà họ tìm thấy”.

Tom Tugendhat, lãnh đạo Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của chính phủ Anh và là Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Đối ngoại trước đó cũng bày tỏ nhiều mối quan ngại. “Tôi phải nhấn mạnh một lần nữa rằng việc cơ sở phát triển và xử lý công nghệ silicon và chip bán dẫn 200mm hàng đầu của Vương quốc Anh đang bị một thực thể Trung Quốc tiếp quản - theo quan điểm của tôi - đang cho thấy một mối đe dọa an ninh và kinh tế đáng kể”.

Tương tự như nghị sĩ Duncan Smith, ông Tom Tugendhat cũng thúc giục chính phủ Vương quốc Anh xem xét lại thỏa thuận này theo Đạo luật đầu tư và An ninh quốc gia như một phần trong nỗ lực bảo vệ các công ty công nghệ Anh quốc khỏi sự thôn tính của các tập đoàn nước ngoài, điều có thể gây bất lợi cho an ninh hoặc kinh tế quốc gia. “Đây là nhà máy chip tiên tiến cuối cùng còn sót lại lớn nhất ở Anh. Nó được bán cho người Trung Quốc và chính phủ Anh không có hành động nào”.


NTTD
Cùng chuyên mục