Nghiên cứu: FED đã khuất phục trước áp lực chính trị từ Tổng thống Trump?
Có một sự thật là trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích FED như kẻ thù số 1 của nền kinh tế Mỹ, nguy hiểm hơn cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau hành động tăng lãi suất liên tục hồi năm ngoái. Trump cho rằng mức cắt giảm lãi suất và những hành động của FED là không đủ để kích thích nền kinh tế Mỹ. Ông đe dọa sẽ hạ bệ Chủ tịch FED Jerome Powell. Ông gọi quan chức FED là những kẻ đần độn. Ông thậm chí khuyến khích FED đưa lãi suất trở về mức 0 hoặc thậm chí là âm.
Đáng nói là những tweet của Trump đã thúc đẩy kỳ vọng của các nhà đầu tư về mức lãi suất thấp hơn đáng kể, qua đó ảnh hưởng đến quyết định cắt giảm của FED, theo nội dung bài nghiên cứu được Cơ quan nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) công bố hôm 24/9. Nói một cách khác, Trump đang cố gắng "đóng khung" FED trong một chính sách kinh tế mà ông muốn.
"Tổng thống muốn biến FED thành một "vật tế thần" trong trường hợp nền kinh tế giảm tốc" - Narayana Kocherlakota, cựu Chủ tịch FED nhận định.
"Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy các nhà đầu tư tin rằng FED đã khuất phục trước áp lực chính trị từ Tổng thống, điều đe dọa trực tiếp đến sự hoạt động độc lập của Ngân hàng Trung Ương" - các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Duke và London Business nhận định trong một bình xét.
Từ lâu, Quốc hội Mỹ đã cho FED quyền độc lập trước can thiệp chính trị, nhằm mang đến sự linh hoạt tối đa cho ngân hàng Trung Ương để ra những quyết sách tốt nhất cho nền kinh tế, bất kể áp lực và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tiếp theo. Lịch sử đã chỉ ra rằng những Ngân hàng Trung Ương hoạt động dưới áp lực chính trị bao giờ cũng thất bại trong việc duy trì lạm phát mục tiêu trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trump lên tiếng, thị trường phản ứng
Bằng cách kiểm tra chỉ báo tick-by-tick trong ngắn hạn về dữ liệu tương lai của FED ngay sau mỗi lần Tổng thống Trump đăng tweet chỉ trích, các nhà nghiên cứu NBER đã có "bằng chứng thị trường" rằng hành động của Trump "tác động mạnh mẽ đến kỳ vọng thị trường về chính sách tiền tệ".
Báo cáo chỉ ra trong vòng 1 năm qua, các tweet của ông Trump đã khiến mức lãi suất kỳ vọng của thị trường giảm khoảng 0,1%. Dù tỷ lệ giảm này nghe có vẻ nhỏ, nhưng nó mang ý nghĩa tâm lý vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy FED cắt giảm lãi suất 0,25%. Cục Dự trữ Liên bang luôn giám sát và theo dõi chặt chẽ những kỳ vọng của thị trường về biến động lãi suất. Ngân hàng Trung Ương không bao giờ muốn làm các nhà đầu tư hoàn toàn thất vọng hoặc bất ngờ về chính sách tiền tệ; điều khiến nền kinh tế trở nên hoang mang, hỗn loạn. Đó là lý do vì sao Tổng thống Trump thành công gây áp lực cắt giảm lãi suất lên FED.
Hồi tháng 6, đại gia ngân hàng Goldman Sachs từng lập luận rằng FED không có lựa chọn nào ngoài việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở FOMC vào tháng 7. Nguyên nhân là bởi phố Wall đã đặt kỳ vọng quá cao vào chính sách tiền tệ nới lỏng. Một khi FED không thực sự cắt giảm, thị trường sẽ đối diện một cú sốc nặng nề. Và thực tế đã cho thấy FED chấp nhận hạ lãi suất 0,25% vào tháng 7, lần đầu tiên sau 11 năm kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng ông Trump rõ ràng chưa hài lòng với mức cắt giảm này. Tháng 9/2019, FED tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25% sau nhiều phen bị Trump gây áp lực.
"Phân tích của chúng tôi chỉ ra thị trường tin rằng sự độc lập của Ngân hàng Trung Ương đang xói mòn" - các nhà nghiên cứu NBER cho hay.
Tuy nhiên, ông Kocherlakota, cựu quan chức FED, hiện là giáo sư kinh tế Đại học Rochester thì cho rằng nghiên cứu của NBER hiện chưa đủ cơ sở và bằng chứng để chứng minh hành động của ông Trump đe dọa sự độc lập của FED. Ví dụ trong tình hình hiện tại, kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát gần mức kỳ vọng của nhà đầu tư. "Nếu Tổng thống thực sự là mối đe dọa cho sự độc lập của FED, chúng ta sẽ thấy FED mất kiểm soát lạm phát mục tiêu".
Hiện FED và Nhà Trắng đều từ chối bình luận trước kết quả nghiên cứu này.
Chủ tịch FED Jerome Powell cam kết phớt lờ áp lực chính trị
FED lâu nay luôn cố gắng bảo vệ sự độc lập của mình trong nhiệm kỳ của Trump, ít nhất là Chủ tịch FED Jerome Powell cam kết như vậy.
Tuần trước, Chủ tịch Powell đã từ chối trả lời tweet khiêu khích của ông Trump khi ông này gọi các quan chức FED là những kẻ đần độn. Ông Powell chỉ khẳng định: "Tôi tin rằng sự độc lập của FED khỏi những áp lực chính trị trực tiếp đã giúp FED phục vụ công dân tốt hơn". Chủ tịch FED nhấn mạnh thêm rằng cơ quan này "sẽ tiếp tục những chính sách tiền tệ bất chấp những ảnh hưởng chính trị" trên cơ sở "bằng chứng và phân tích khách quan".
Hồi tháng 8, 4 cựu quan chức FED đã cảnh báo sự thiếu độc lập của ngân hàng trung ương sẽ làm suy yếu thị trường tài chính và gây tổn thương nặng nề cho nền kinh tế. Chẳng hạn như trường hợp của Tổng thống Richard Nixon khi ông này gây áp lực cho FED giữ lãi suất ở mức thấp trong thập niên 70, khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát. Thực trạng lạm phát tăng cao chưa từng có khiến FED trong thập niên 80 dưới thời Chủ tịch Paul Volcker buộc phải tăng lãi suất mạnh mẽ, khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái sau đó.