Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp

13/11/2021 09:40 GMT+7
Đầu tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng, song tốc độ tăng đã chậm lại, do thị trường thiếu lực đầu cơ. Niên vụ 2021, hàng trăm nghìn ha cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên có thể sẽ thu hoạch không kịp thời vụ, nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng do tình trạng “khát” nhân công lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 1.

Đầu tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng, song tốc độ tăng đã chậm lại, do thị trường thiếu lực đầu cơ.

Thị trường thiếu vắng lực đầu cơ

Đầu tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng, song tốc độ tăng đã chậm lại, do thị trường thiếu vắng lực đầu cơ. Phiên giao dịch kết thúc tuần này, giá cà phê arabica tiếp tục tăng, trong khi đà tăng mạnh của robusta đã tạm dừng, quay đầu điều chỉnh giảm nhẹ. 

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trước giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày (12/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm nhẹ 15 USD (0,65%), giao dịch tại 2.277 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 5 USD (0,22%), giao dịch tại 2.222 USD/tấn. Khối lượng giao dịch vẫn yếu, hiện tượng giá đảo vẫn duy trì.

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 8,80 Cent (4,17%), giao dịch tại 219,7 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 8,65 Cent (4,06%), giao dịch tại 221,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng rất mạnh.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 1,4%, 0,9%, 1,3%, 0,1% so với ngày 29/10/2021, lên mức 243 Uscent/lb, 248,5 Uscent/lb, 249,25 Uscent/lb và 246,75 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức 2.281 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với cuối tháng 10/2021. 

Dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Theo Rabobank, xuất khẩu cà phê từ Brazil và các nước sản xuất bị định trệ do quá trình vận chuyển không thuận lợi. 

Tây Nguyên “khát” nhân công thu hái cà phê

Khu vực Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Thời tiết vùng cà phê Tây nguyên hiện đang thiếu nắng làm quả cà phê chín chậm, trong bối cảnh lực lượng nhân công thiếu hụt đã đẩy tiền lương thu hái lên rất cao. Niên vụ 2021, hàng trăm nghìn ha cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên có thể sẽ thu hoạch không kịp thời vụ, nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng do tình trạng “khát” nhân công lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 4.

Nguồn: giacaphe.com

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có hơn 200.000 ha cà phê với sản lượng gần 500.000 tấn và cần gần 15 triệu ngày công lao động. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông dự kiến niên vụ 2021-2022, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng trên 120.000 ha và cần trên 13 triệu ngày công lao động phục vụ thu hái. 

Trong khi đó, việc thông quan hàng hóa không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp giao hàng cầm chừng, dẫn đến việc thu mua chậm lại. Do đó, giá cà phê Robusta trong nước đầu tháng 11/2021 giảm so với cuối tháng 10/2021. Ngày 8/11/2021, giá cà phê Robusta trong nước giảm 1,0% so với ngày 29/10/2021, xuống còn 39.900 – 40.800 đồng/kg.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nhà sản xuất Robusta hàng đầu thế giới, trong tháng 10/2021 giảm 1,1% so với tháng 9, đưa xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Còn theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tháng 9/2021 đạt 45,43 triệu USD, giảm 7,5% so với tháng 9/2020 và giảm 5,1% so với tháng 9/2019. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tăng 0,6% so với 9 tháng đầu năm 2020 và tăng 2,7% so với 9 tháng đầu năm 2019, đạt 412,82 triệu USD.

9 tháng đầu năm 2021 so với 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Philippines, Nga, Hàn Quốc. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang thị trường Indonesia tăng tới 104,1%, đạt 19,68 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không giảm nhiều trong các tháng tới do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, trong khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022.

Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển mặt hàng.

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Mặc dù vậy, Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho rằng để giá cà phê quay về thời hoàng kim 49.000 - 50.000 đồng/kg còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục neo cao do nguồn cung chưa ổn định (thị trường lo ngại hạn hán xảy ra tại Nam Mỹ và lũ lụt tại Đông Nam Á), trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và giá cước phí vận chuyển cao.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, diễn biến giá cà phê sẽ còn biến động khó lường vì phải chờ đến tháng 7/2022 khi Brazil thu hoạch vụ cà phê mới, hoặc Indonesia thu hoạch vào tháng 4/2022, đến lúc đó giá cà phê mới biến động nhiều. Hiện Việt Nam vẫn đang “một mình một chợ” nên xu hướng giá trong ngắn hạn sẽ vẫn tốt.

Trung Quốc sẽ nhập mạnh trở lại cà phê Việt Nam?

Bộ Công Thương dự báo, nếu đẩy mạnh xuất khẩu tốt, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu cà phê tiềm năng của Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 7.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Thực tế hiện nay, trà vẫn là thức uống truyền thống của Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể gần đây, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi. Phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan ở Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê của nước này tăng với tốc độ hàng năm là 15%. Còn theo https://www.mordorintelligence. com, thị trường cà phê Trung Quốc dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,15% trong giai đoạn 2021 – 2026. Đại dịch Covid-19 không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, bởi người dân chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn. Trong 6 tháng đầu niên vụ 2020/21 (từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021), tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 1,8 triệu bao. Do đó, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. 

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này tháng 9/2021 đạt 53,84 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tốc độ tăng giá cà phê chậm lại, hàng trăm ha cà phê Tây Nguyên thu hoạch không kịp - Ảnh 8.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Về thị trường: Nguồn cung cà phê cho Trung Quốc đa dạng, với khoảng 80 thị trường cung cấp. Trong đó, các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc gồm: Goatemala, Etiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil… Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng tới 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm (từ 12,34% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 11,94% trong 9 tháng đầu năm 2021) chỉ là tạm thời do tình hình dịch bệnh Covid-19. Khi tình hình dịch đã được khống chế và sản xuất cà phê được tăng tốc trở lại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh tới đây.

Tuy nhiên, thị trường cà phê Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Do đó, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá trực tuyến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục