Nhà đầu tư “gồng gánh” cổ phiếu thép
Chịu nhiều áp lực
Rủi ro lớn nhất doanh nghiệp (DN) thép đang phải đối mặt là tình trạng dư cung, khi hàng loạt DN đang mở rộng sản xuất, nhất là DN đầu ngành. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tăng gấp đôi quy mô sản xuất trong năm 2019-2020.
Về công suất, ước tính tổng công suất cho thép dài tăng khoảng 20-25% trong năm 2019, chủ yếu từ HPG và CTCP Thép Pomina (POM). Đối với thép dẹt, ước tính tổng công suất tăng 25-30% trong năm 2019 từ CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG).
Để phục vụ kế hoạch tăng công suất trên, HSG và NKG đang đầu tư khá lớn khiến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của 2 DN này cao hơn 3-4 lần. Do vậy ngoài áp lực nguồn cung, các DN còn chịu thêm áp lực rất lớn về dòng tiền để duy trì hệ thống bán hàng và mua nguyên liệu sản xuất. Khó khăn nữa DN đang phải đối mặt là nguồn tiêu thụ thép chính là lĩnh vực bất động sản.
Các công trình thương mại và dân dụng đang có dấu hiệu chậm lại ở thời điểm hiện tại và trong vài năm tới, đã khiến áp lực cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, những yếu tố kể trên chưa là tất cả rủi ro DN thép trong nước đang đối mặt. Theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng ngành thép thời gian tới còn khó khăn hơn, khi thời hạn thuế chống bán phá giá sẽ đáo hạn vào ngày 22-3-2020.
Khi thời hạn bán phá giá chấm dứt sẽ dẫn đến hiện tượng sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước. Hiện Việt Nam là thị trường nhập khẩu thép Trung Quốc đứng thứ 2, chỉ sau Hàn Quốc, khi chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu của quốc gia này.
Ở thời điểm hiện tại, dù thời hạn chống bán phá giá chưa chấm dứt, nhưng các DN thép trong nước vẫn đang bị áp lực bởi sản lượng thép thừa quá lớn từ thị trường Trung Quốc.
Nguyên nhân do doanh số bán thép phục vụ ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Trung Quốc không thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong 14 tháng liên tiếp đang tràn sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Không chỉ gặp khó ở thị trường trong nước, mặt hàng thép xuất khẩu thường xuyên phải đối mặt các vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm 35/142 vụ việc phòng vệ thương mại các nước điều tra với Việt Nam.
KQKD tiêu cực
Những yếu tố trên cộng với việc giá thép nguyên liệu tăng cao trong những tháng gần đây, đã ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả kinh doanh (KQKD) của các DN thép đang niêm yết, thậm chí các DN lớn cũng bị tác động. Theo báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2019, phần lớn DN thép đều ghi nhận KQKD kém tích cực với doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sút giảm mạnh.
Đơn cử HPG, với doanh thu tăng 11% (đạt 30.263 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 12,77% (đạt 3.860 tỷ đồng). Đáng chú ý, CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) dù doanh thu tăng 9% (đạt 8.669 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận gộp giảm đến 50% (đạt 158 tỷ đồng).
DN thép được chú ý nhất trên thị trường là HSG, dù mạnh dạn cắt giảm nhiều khoản chi nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm so với cùng kỳ. Theo BCTC quý III (niên độ tài chính 2018-2019), doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HSG đạt lần lượt 21.685 tỷ đồng (giảm 16%) và 277 tỷ đồng (giảm 46%).
Có được kết quả này nhờ doanh nghiệp này nỗ lực cắt giảm được 3.300 tỷ đồng nợ vay và thu gọn được khoảng 100 chi nhánh trên cả nước. Trước đó, HSG từng thua lỗ hơn 100 tỷ đồng trong quý IV của niên độ tài chính 2017-2018.
Tương tự, nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2019, NKG chủ động cắt giảm hàng loạt chi phí, đồng thời lên kế hoạch chuyển nhượng hàng loạt dự án và tái cấu trúc sản xuất, bán vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, KCN VSIP II - A, một số nhà máy sản xuất mạ, nhà máy Nam Kim 1 (công suất 500.000 tấn/năm).
Đặc biệt, HĐQT của NKG lên kế hoạch chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất tại dự án KCN Mỹ Xuân B (Bà Rịa - Vũng Tàu), tổng diện tích gần 33ha. Thông qua các thương vụ chuyển nhượng, NKG dự thu về khoảng 850 tỷ đồng và sử dụng nhằm giảm dư nợ trung hạn. Thực tế, việc thoái vốn tại các dự án đã giúp NKG thoát lỗ trong quý II vừa qua (quý I lỗ gần 102 tỷ đồng).
Đối với các DNNVV, tình cảnh còn bi đát hơn. Điển hình là CTCP Thép Dana - Ý (DNY) được xếp vào danh sách DN thua lỗ nặng nhất trên TTCK. Theo BCTC bán niên 2019, DNY báo lỗ hơn 171 tỷ đồng, lũy kế 3 quý gần nhất lỗ gần 233 tỷ đồng. Cùng ghi nhận mức lỗ khủng là POM với lợi nhuận âm 132 tỷ đồng. Đây là con số gây thất vọng nếu biết rằng mục tiêu lợi nhuận của POM trong năm nay 400 tỷ đồng.
Theo giải trình từ POM, nguyên nhân thua lỗ do công ty đang triển khai 2 dự án Tol mạ và lò cao, nên chi phí lãi vay tăng 59% so với cùng kỳ. Còn CTCP Thép Việt Ý (VIS) lỗ gần 66 tỷ đồng do giá bán thép trong quý II giảm, trong khi phải tăng các chính sách chiết khấu trước áp lực cạnh tranh của ngành.
Tái cấu trúc
2019 được đánh giá là năm “bản lề” cho các kế hoạch tái cấu trúc nhằm khôi phục đà tăng trưởng của các DN thép trong các năm tới. Đối với các DN lớn có tiềm lực mạnh như HPG, chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất và ra mắt dòng sản phẩm mới (thép cán nóng), sẽ cải thiện giá trị gia tăng cho mảng thép thẳng (ống thép và tôn mạ).
Với HSG, do điểm yếu về tài chính, DN này sẽ tập trung cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi và hạn chế các hoạt động đầu cơ. Một khi hoạt động kinh doanh cốt lõi với lợi thế được thiết lập, sức khỏe tài chính cũng sẽ được cải thiện, giúp nâng cao tâm lý thị trường đối với CP HSG vốn đang bị đánh giá thấp.
Với các DNNVV, việc mua bán sáp nhập (M&A) sẽ là bước đi được nhiều DN lựa chọn trong các kế hoạch tái cấu trúc. Đơn cử là thương vụ rót vốn đầu tư của SMC vào NKG. Tháng 7 vừa qua, ngay sau khi thông báo tiếp tục tăng mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên, SMC đã hoàn tất mua vào 6,3 triệu CP NKG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 5% và chính thức trở thành cổ đông lớn tại NKG.
Trước đó (năm 2017), SMC tham gia mua CP NKG phát hành cho NĐT trong đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 30% vốn điều lệ theo nghị quyết ĐHCĐ NKG đã thông qua. Mục đích được SMC đưa ra nhằm tăng cường quan hệ kinh doanh và quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới giữa 2 DN.
Thực tế, KQKD quý II cũng phần nào phản ảnh những thay đổi tại NKG sau khi có sự tham gia điều hành của SMC.