Nhà máy đóng gói thịt ở Đức thành ổ dịch Covid-19, Trung Quốc vội vã cấm nhập khẩu
Hơn 650 trong số 1.000 công nhân tại nhà máy đóng gói thịt Toennies đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2, khiến chính quyền Đức mới đây phải đóng cửa cơ sở sản xuất này cùng hàng loạt trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em ở khu vực miền Tây Guetersloh.
Theo thông báo chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 17/6, kể từ cùng ngày, tất cả các sản phẩm thịt chế biến từ lò mổ Đức này sẽ bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc. Cơ quan này cho biết thêm chính quyền Đức đã gửi cảnh báo đến Trung Quốc về ổ dịch lớn tại nhà máy Toennies.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh tạm dừng các lô hàng nhập khẩu cá hồi Châu Âu trong bối cảnh quan ngại đây là nguồn gốc ổ dịch Covid-19 mới tại chợ buôn Xinfadi (Bắc Kinh). Trước đó, người tiêu dùng Trung Quốc gần như đã “tẩy chay” sản phẩm cá hồi nhập khẩu Châu Âu sau khi virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trên thớt chế biến cá tại khu chợ này.
Dù các chuyên gia y tế khẳng định có rất ít khả năng cá hồi nhập khẩu là nguồn lây hoặc nguồn trung gian mang virus, nhưng điều này không làm giảm bớt tâm lý lo sợ của người dân. Hiện số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại chợ Xinfadi đã lên tới ít nhất 158 trường hợp. Chính quyền Bắc Kinh hiện đã phải đóng cửa tất cả các trường học, phong tỏa nhiều khu vực và hủy một số chuyến bay trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, tránh làn sóng bùng phát thứ hai.
Thông tin mới về việc dừng nhập khẩu thịt từ nhà máy ở Đức đang làm gia tăng mối lo ngại về sự an toàn trong nguồn cung thực phẩm nhập khẩu đến Trung Quốc, thị trường 1,4 tỷ dân với sức tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó khẳng định sẽ tăng cường liên lạc và phối hợp với các quốc gia khác để đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu. Khi được hỏi về khả năng tiếp tục cấm nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, phát ngôn viên Bộ Thương mại Cao Phong cho hay: “Tất cả thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chất lượng và kiểm dịch có liên quan của Trung Quốc”.
Nhìn chung, vụ bùng phát dịch tại chợ Xinfadi đã khiến các thương nhân Trung Quốc lo ngại rằng sức mua của người tiêu dùng với thực phẩm nước ngoài có thể bị ảnh hưởng, thậm chí giảm mạnh sau vụ việc dừng nhập khẩu cá hồi Châu Âu. Nhiều siêu thị lớn tại Trung Quốc hiện đã loại bỏ sản phẩm cá hồi, thịt và hải sản nhập khẩu khỏi kệ hàng. Chính quyền các địa phương trên cả nước, đặc biệt là Bắc Kinh cũng tăng cường thử nghiệm Covid-19 trên các mẫu nông sản, sản phẩm đông lạnh nhập khẩu. Theo số liệu từ cơ quan hải quan, tính đến hôm 18/6, Trung Quốc đã xét nghiệm tổng cộng 32.174 mẫu nông sản sản xuất và nhập khẩu bao gồm thịt đông lạnh, thủy sản, hải sản, rau, trái cây... trong khoảng thời gian 11-17/6. Tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong suốt thời gian qua, các nhà máy sản xuất và chế biến thịt đông lạnh đã trở thành điểm nóng của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Rất nhiều ổ dịch Covid-19 tại các nhà máy này được phát hiện từ Châu Mỹ đến Châu Âu, Châu Úc. Nhiều quốc gia đã tuyên bố ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất thịt xuất hiện ổ dịch trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.