Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam "khóc thét" vì thiếu vật liệu

06/07/2021 09:39 GMT+7
Ban QLDA Thăng Long cho biết, nhiều loại vật liệu theo thông báo giá của địa phương có tên vật liệu, nhưng thực tế thị trường không có sản phầm theo chủng loại chất lượng được công bố.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chỉ đạo quyết liệt phấn đấu giải ngân lũy kế tới hết tháng 6/2021 đạt 17.311 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch cả năm. Ước tính tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương đến hết tháng 6/2021 theo tính toán của Bộ Tài chính là 22,02%.

Bộ GTVT cho biết, trong 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đến nay, đã điều chuyển bổ sung 1.637 tỷ đồng đảm bảo đủ vốn triển khai 2 dự án mới chuyển sang đầu tư công (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu).

Dự kiến, trong tháng 6/2021, giải ngân được khoảng 2.424 tỷ đồng, lũy kế tới hết tháng 6/2021 giải ngân được 6.935/14.981 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam "khóc thét" vì thiếu vật liệu - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. (Ảnh: Nha Mẫn)

Mặc dù, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu giải ngân, nhưng kế hoạch này có thể không hoàn thành do một số dự án cao tốc Bắc - Nam đang gặp nhiều khó khăn vì giá thép tăng cao, vật liệu khan hiếm.

Điển hình là dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó vì thiếu vật liệu đắp nền. Theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long, đến cuối tháng 6/20201, chính quyền địa phương hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng cho dự án được 98,77/99km (đạt 99,7%), giải ngân công tác GPMB đạt 2.621,27/3.077,64 tỷ đồng (đạt 85,17%).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, để đảm báo tiến độ dự án,  đơn vị đã huy động 69 mũi thi công ở 4 gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đến cuối tháng 6/2021 đạt khoảng 534 tỷ đồng (9,15%). Các gói thầu cơ bản đảm bảo tiến độ, chỉ chậm ở một gói thầu thiếu vật liệu đất đắp do thị trường không có vật liệu đất để mua phục vụ thi công.

Theo ông Huấn, 4 tháng tới sẽ là mùa mưa, trong khi giai đoạn này đang thi công đắp nền đường bằng đất sẽ rất khó thi công và ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Trong khi đó, các mỏ vật liệu đất đắp theo hồ sơ thiết kế của dự án, nhất là khu vực tỉnh Đồng Nai chưa có phép, chỉ mới quy hoạch.

Từ công trình đến vùng lân cận và khoảng 50km không có mỏ đất đã có phép khiến dự án không mua được đất để thi công. Theo thông báo giá của địa phương, vật liệu đất đắp có tại thị trường, nhưng thực tế không có.

Ngoài ra, nhiều loại vật liệu theo thông báo giá của địa phương có tên vật liệu, nhưng thực tế thị trường không có sản phầm theo chủng loại chất lượng được công bố.

Ví dụ, vật liệu cấp phối đá dăm loại 1, đá cho bê tông trên thị trường vẫn có vật liệu theo tên gọi này, nhưng không đúng tiêu chuẩn (hàng giả), dẫn đến nhà thầu không mua được vật liệu, phải đặt hàng từ mỏ đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn dự án và giá cao hơn nhiều so với thông báo giá của địa phương.

Cũng theo Ban QLDA Thăng Long, dự án đang chậm tiến độ phần lớn ở gói thầu 3-XL dài 35,3km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai là do không có đất đắp trên thị trường (thông báo giá của địa phương có, nhưng thực tế không có), khu vực trong phạm vi 50km đến gói thầu không có mỏ đất đã cấp phép, nhà thầu không mua được đất để đắp.

Đồng thời, Ban QLDA Thăng Long đề nghị địa phương thông báo giá đúng chủng loại theo tiêu chuẩn dự án, khắc phục tình trạng vật liệu trên thị trường đúng tên, nhưng không tương đương chất lượng. Từ đó, ban hành chủ số giá đảm bảo đúng, phù hợp.


Thế Anh
Cùng chuyên mục