Nhà Trắng tính chặn đứng đầu tư vào Trung Quốc, nguyên nhân vì đâu?
"Nhà Trắng đang trong giai đoạn xem xét sơ bộ hạn chế đầu tư, chưa có quyết định nào được đưa ra, cũng không có mốc thời gian cụ thể nào được ấn định". Nguồn tin của CNBC khẳng định Nhà Trắng cân nhắc cả khả năng ngăn chặn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính vào Trung Quốc chứ không phải hạn chế một phần.
"Hạn chế dòng vốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc có nghĩa là bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi những rủi ro quá mức do thiếu các cơ chế giám sát" - CNBC trích lời nguồn tin thân cận. Còn theo tờ Bloomberg, các quan chức Nhà Trắng đang xem xét một số biện pháp như hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, ngăn chặn quỹ hưu trí của Chính phủ đầu tư vào Trung Quốc… Cổ phiếu các công ty Trung Quốc đã lao dốc sau tin tức này.
Nhà Trắng hiện từ chối bình luận về tin tức này. Nhưng theo nguồn tin của Bloomberg, Tổng thống Donald Trump đã "bật đèn xanh" cho các cuộc thảo luận tiếp theo.
Tại thời điểm Chính phủ Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách giải quyết các xung đột thương mại kéo dài hơn một năm nay, việc Nhà Trắng muốn hạn chế đầu tư vào Trung Quốc rõ ràng là một thông tin nhạy cảm, đáng để thị trường lưu tâm. Chứng khoán phố Wall đã lao dốc vào thứ 6, S&P chứng kiến mức giảm tuần hơn 1%.
Hạn chế đầu tư do báo cáo tài chính thiếu minh bạch
Các công ty Trung Quốc đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ từ lâu đã đối mặt với nhiều khiếu nại rằng báo cáo tài chính của họ không cùng tiêu chuẩn với báo cáo tài chính của Mỹ, qua đó khiến các nhà đầu tư Mỹ đối diện với rủi ro quản trị doanh nghiệp và gian lận.
Lưỡng đảng Mỹ sau đó phải đưa ra những dự luật nhằm thúc đẩy các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Mỹ nếu không muốn bị hủy bỏ niêm yết. Nhưng về phía Bắc Kinh, họ không muốn cho phép các nhà quản lý nước ngoài can thiệp vào công tác kiểm toán của công ty trong nước. Nguy cơ hủy niêm yết là lý do khiến hàng loạt cổ phiếu công ty Trung Quốc trượt mạnh trên phố Wall hôm 27/9. Cổ phiếu Alibaba giảm hơn 5% trong khi Baidu tụt 3,6% còn JD.com giảm 6%.
Các báo cáo chỉ ra những công ty Trung Quốc đang góp phần đáng kể vào thị trường vốn của Mỹ, Có tới 156 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ, với tổng vốn hóa thị trường khoảng 1.200 tỷ USD tính đến tháng 2/2019.
Nỗ lực hạn chế đầu tư nhen nhóm từ lâu
Thực tế, kể từ hồi căng thẳng thương mại Mỹ Trung bùng nổ vào 2 năm trước, một số quan chức Washington đã có xu hướng thúc đẩy sự chia rẽ quan hệ tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm.
Nhiều nhà phân tích nhận định áp lực từ Mỹ có thể khiến một số công ty Trung Quốc tìm kiếm các sàn niêm yết khác. Alibaba từng bí mật nộp đơn niêm yết lên sàn chứng khoán Hồng Kông, nhưng kế hoạch sau đó bị hoãn lại do các cuộc biểu tình và bất ổn tại trung tâm tài chính Châu Á này trong suốt nhiều tháng qua.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc Thượng viện Mỹ từng nhiều lần yêu cầu Quốc hội giám sát chặt chẽ mối liên kết giữa phố Wall và các công ty Trung Quốc.
Hồi tháng 6, ông Rubio từng đặt câu hỏi cho MSCI - nhà phân tích chỉ số tài chính chứng khoán toàn cầu uy tín bậc nhất thế giới - rằng họ đang làm gì để đảm bảo các nhà đầu tư Mỹ không đổ vốn vào các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có liên kết với Nhà nước tại Trung Quốc.
"Chúng ta không thể cho phép chính phủ "độc tài" của Trung Quốc thu về trái ngọt từ thị trường vốn quốc tế và Mỹ trong khi các công ty Trung Quốc thậm chí không đáp ứng được những tiêu chuẩn minh bạch tài chính cơ bản, đặt nhà đầu tư Mỹ vào rủi ro" - trích nội dung bức thư ông Rubio gửi tới Chủ tịch MSCI ngày 12/6.
Theo vị Thượng nghị sĩ, những gì ông đang làm là nỗ lực phân tách thị trường vốn của Trung Quốc và Mỹ, dù hành động này không liên quan đến việc Nhà Trắng gần đây đang xem xét ngăn cản dòng đầu tư. Tuy nhiên nếu muốn, chính quyền Trump hoàn toàn có thể gây áp lực lên các cổ phiếu Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ.
Hạn chế đầu tư, nhà đầu tư Mỹ vẫn đối diện rủi ro
Nhà phân tích Patrick Chovanec từ Silvercrest Asset Management quan ngại rằng nếu nhà đầu tư Mỹ không thể chọn cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc vào danh mục đầu tư, họ có thể gặp rủi ro đánh giá sai lệch chỉ số Benchmark chuẩn (tập hợp giá cổ phiếu được sử dụng làm tiêu chuẩn so sánh trị giá các cổ phiếu khác). Bởi lẽ các tài sản tài chính của các công ty Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong thị trường chứng khoán toàn cầu do vị thế tài chính ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Hồi tháng 5, MSCI đã nâng hạng 4 lần số lượng cổ phiếu Trung Quốc trên thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets EEM, từ mức -1,29% đến 3,3%. Còn Bloomberg Barclays và JP Morgan gần đây cũng thêm trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào các chỉ số phân tích.