Nhiều đề xuất hạn chế tốc độ phát triển điện mặt trời
Theo thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, sau thời gian lấy ý kiến, Quy hoạch điện VIII đã được kết luận đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ngày 18/3, Hội đồng đã họp lần 2 để bỏ phiếu thông qua báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và nội dung Đề án, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Kết quả, Đề án đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối 26/26. Trong đó, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa. Nhưng có tới 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung, chỉnh sửa của Đề án.
Đáng chú ý, trong dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh, như 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%.
Góp ý về nội dung trên, nhiều đơn vị như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Công ty truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung đều cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc các nguồn điện nói trên phát triển nhanh gây ra các vấn đề liên quan đến giá điện, quá tải hệ thống, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,…
Do đó, các đơn vị nói trên, đề xuất ngành chức năng rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, tỷ lệ này phải phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định "Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045".
Theo số liệu Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, số lượng và giá trị kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng pin mặt trời nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Đặc biệt, trong năm 2020, mặt hàng này ghi nhận mức tăng rất mạnh.
Cụ thể, năm 2018, cả nước nhập khẩu 119,5 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, trị giá 260,4 triệu USD. Đến năm 2019, số lượng nhập khẩu giảm còn 36,2 triệu tấm nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tăng 224,4% lên 844,8 triệu USD.
Đặc biệt, năm 2020, số lượng pin mặt trời nhập khẩu vào nước ta đã tăng vọt lên 114,6 triệu tấm, giá trị nhập khẩu cũng tăng vọt lên tới 2.409,5 triệu USD. Giá trị nhập khẩu này của năm 2020 tăng 1.067,3% so với năm 2018 và tăng 185,2% so với năm 2019.
Đáng chú ý, với dòng pin mặt trời giá rẻ được tuồn vào Việt Nam, có những mẫu pin khi test (kiểm định) không đạt yêu cầu, nhà sản xuất lại tìm cách bán ra thị trường với giá rẻ. Tuổi thọ của sản phẩm xuống rất nhanh, thực tế tại Việt Nam, đã có những dự án 3-5 năm đã hỏng. Hệ lụy rõ nhất là khi vòng đời pin càng ngắn thì lượng đào thải ra ngoài sẽ càng lớn.