Nhiều DN du lịch có nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc vé máy bay tại các hãng hàng không trong nước
Tổng cục Du lịch vừa có công văn gửi Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm tháo gỡ khó khăn – Thúc đẩy sản xuất kinh doanh – Tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Đáng chú ý, trong đề xuất sáng kiến, giải pháp thúc đẩy kinh doanh và tái khởi động kinh tế, Tổng cục Du lịch đề nghị Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh khi thỏa thuận liên quan, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch đàm phán với các hãng hàng không về chính sách hoãn hủy hoàn tiền cho doanh nghiệp.
Theo Tổng cục du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch có nguy cơ bị mất trắng tiền đặt cọc vé cả năm 2020 tại các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways do họ không bay, hủy chuyến nhưng vẫn giữ lại tiền và không hoàn tiền ngay cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổng cục du lịch cũng đề xuất Chính phủ tăng cường các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng trong nước, phục hồi thị trường du lịch nội địa khi Việt nam kiểm soát được dịch bệnh. Tăng kinh phí để xúc tiến du lịch trong nước giữa các địa phương, sử dụng các sản phẩm du lịch trong nước là cứu cánh trong thời gian sau dịch.
Đối với vấn đề hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp lữ hành ký quỹ 500 triệu đồng để được cấp Giấy phép Lữ hành quốc tế, đề nghị nhà nước cho phép doanh nghiệp lữ hành được ứng lại 50% số tiền ký quỹ này để làm vốn lưu động với thời hạn trong 2 năm.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đề xuất Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cần có chính sách cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương, giúp các doanh nghiệp tồn tại.
Tổng cục Du lịch đề nghị hỗ trợ tất cả các ngân hàng để miễn hoặc giảm lãi suất tiền vay có điều kiện và gia hạn trả góp các khoản nợ ngắn hạn cho cả doanh nghiệp và cá nhân để đảm bảo các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và các cá nhân không bị phá sản.
Chính phủ cần mở rộng hỗ trợ cho ngành du lịch như giảm 50% các loại tiền thuế đất đai, tiền điện và tiền nước phục vụ kinh doanh cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021.
Cho phép các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31/12/2020…
Đồng thời Tổng cục cũng đề nghị chính phủ có kế hoạch mở lại các khách sạn bao gồm Giấy chứng nhận khách sạn an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn tối thiểu và thực hiện kiểm tra và cấp chứng nhận sức khỏe cho du khách. Nhanh chóng hoàn thành các quy định về condotel và các bất động sản lưu trú tương tự khác để cung cấp cho người mua cơ sở pháp lý hợp lý và khả năng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng).
Tìm cách truyền thông sự thành công khống chế Covid-19 của Việt Nam cho báo chí quốc tế nhiều hơn nữa. Hành động kịp thời và hiệu quả của Chính phủ có khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng nên được coi là một điểm hấp dẫn đối với đầu tư trong nước cho FDI và IFI.
Giảm bất kỳ gánh nặng hành chính không cần thiết (ở tất cả các cấp chính quyền và cho tất cả các hoạt động kinh tế và dân sự) để đầu tư và kinh doanh dễ dàng hơn để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh phục hồi. Giảm biên chế hành chính công. Chỉ đạo các cơ quan nhà nước giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết cho các doanh nghiệp trong ngành.
Các cuộc thanh, kiểm tra tiêu tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực của các doanh nghiệp vốn đang rất mỏng manh dễ vỡ.
Tăng đầu tư công có hiệu quả để tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời sẽ hỗ trợ các ngành kinh tế phát triển, trong đó có du lịch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tăng trưởng trong tương lai, như xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Bài và Đồng Hới, xây dựng mới sân bay Chu Lai và thúc đẩy mở rộng sân bay Nội Bài; xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và một số đoạn của đường cao tốc Bắc - Nam.
Phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt để thúc đẩy kinh doanh và thương mại trong nước trước khi mở cửa với các nước khác; Khuyến khích sản xuất, tạo ra công ăn việc làm thì sẽ phát triển du lịch nội địa.
Không ngăn sông cấm chợ từ các tỉnh đến các tỉnh, đảm bảo hành khách có khai y tế qua mạng hoặc có chứng nhận không nhiễm bệnh hoặc không có triệu chứng.
Khi các nước trên thế giới khống chế được dịch Covid-19 thì dần mở cửa với từng nước, đồng thời phục hồi lại chính sách miễn thị thực của Việt Nam cho nước đó để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam. Áp dụng kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày cho các thị trường ổn định như Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada.