Nhiều ngân hàng chốt room ngoại trước khi lên sàn

05/04/2019 10:59 GMT+7
Cùng với làn sóng lên sàn, nhiều ngân hàng sẽ chốt room ngoại trước khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong năm nay.

Nam A Bank dự kiến hút thêm vốn ngoại trước khi niêm yết

Chốt room ngoại trước khi lên sàn

Ngân hàng OCB và Nam A Bank cho hay, họ sẽ hút thêm vốn ngoại trước khi niêm yết cổ phiếu tại HoSE năm 2019.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, năm 2018, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng hiện tại lên 5.000 tỷ đồng, song chưa hoàn tất, nên sẽ tiếp tục triển khai trong năm nay.

Tại Ngân hàng OCB, hiện room ngoại mới chiếm 5% trong tổng số 30% theo quy định, nên còn nhiều cơ hội cho cổ đông ngoại. Đại diện OCB cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài để bán vốn.

Trong khi đó, Ngân hàng VIB cho hay, hiện room ngoại còn khoảng 10% và trong kế hoạch tăng vốn tới đây cũng tính đến chuyện thu hút thêm vốn ngoại.

Trong năm qua, khi một số nhà băng triển khai kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, như HDBank, VPBank, Techcombank đã chào bán cổ phần thành công cho các tổ chức quốc tế, thu về hàng trăm triệu USD. HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD trước khi niêm yết đầu năm 2018.

Tương tự, Techcombank lấp kín room ngoại khi bán cổ phần cho Warburg Pincus thu về 370 triệu USD trước khi niêm yết trên sàn HoSE trong năm 2018. Tại ACB, sau khi Standard Chartered Bank thoái vốn, ngân hàng này đã nhanh chóng được nhóm Alp Asia Finance Limited nhận chuyển nhượng lại và chính thức trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn ACB. Room ngoại tại ACB hiện đạt mức tối đa 30%..., vì vậy, ACB có thể bán 41,4 triệu cổ phiếu quỹ để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) trước năm 2020.

Thị trường cũng đang chờ đợi thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc. Năm 2018, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana, với 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Thương vụ này dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Nhà đầu tư ngoại muốn tăng tỷ lệ sở hữu

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn theo chuẩn Basel II, thì Chính phủ có thể nới room ngoại từ 30% lên 49%.

Giám đốc điều hành Vina Capital, ông Andy Ho cũng từng đề nghị, ngành ngân hàng Việt Nam nên nới room để hút vốn ngoại trong bối cảnh cần vốn để đẩy mạnh tái cơ cấu. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng kỳ vọng nới thêm room để có cơ hội sở hữu thêm cổ phần.

Ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) cho biết, là cổ đông chiến lược của VietinBank, MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh và việc này hết sức cấp thiết, mong Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng.

Với Agribank, ngân hàng này đang trong lộ trình cổ phần hóa, mà theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chậm nhất là đầu năm 2020, phải cổ phần hóa xong. Nhiều đối tác đang “nhắm” tới Agribank, trong đó có Tập đoàn Tài chính NongHuyp - định chế tài chính đứng thứ 4 tại Hàn Quốc, đã "ngỏ ý" được hỗ trợ nhà băng này trong việc cổ phần hóa.

Công ty con của Agribank là Công ty tài chính ALC I cũng đã nhận được đề nghị từ phía Tập đoàn Srisawad Corporation của Thái Lan trong việc hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank (200 tỷ đồng) và trả hết phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank là 323 tỷ đồng để được sở hữu hoàn toàn công ty tài chính này. Được biết, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ và đang chờ sự chấp thuận của Chính phủ.

Trong một phân tích mới đây, các chuyên gia của Moody's đánh giá rằng, hầu hết ngân hàng Việt sẽ vẫn thiếu vốn để đáp ứng chuẩn Basel II (sẽ có hiệu lực từ năm 2020) và việc huy động vốn để tăng năng lực tài chính sẽ chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục