Nhựa Tiền Phong: Chốt ngày chia cổ tức, cổ phiếu NTP tăng "vùn vụt"

21/06/2024 16:47 GMT+7
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã: NTP) vừa ra thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu.

Theo đó, NTP sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10% (10 cổ phiếu sẽ nhận 1 cổ phiếu mới), tương đương phát hành mới gần 13 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 1.425 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 9/7.

Trước đó, ngày 14/6, doanh nghiệp đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2023 theo tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Với gần 130 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến NTP đã chi 130 tỷ đồng để hoàn tất trả cổ tức cho cổ đông.

Trong quý I/2024, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 962 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước đó. Lãi sau thuế đạt 109 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng tài sản của NTP tính tới 31/3/2024 đạt 5.189 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả giảm 16% xuống 1.964,3 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, cổ phiếu NTP liên tục tăng trưởng. Xét từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá NTP đã tăng thần tốc hơn 60%, vốn hóa thị trường của Nhựa Tiền Phong đã ở mức hơn 8.000 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch 21/6/2024, cổ phiếu NTP đứng ở mức 62.200 đồng/cp.

Trong báo cáo triển vọng 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, biên lợi nhuận gộp ngành nhựa năm 2024 sẽ giảm 4,3% so với mức đỉnh của năm 2023 do giá hạt nhựa dự báo phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần cải thiện.

Tuy nhiên biên lợi nhuận ngành này sẽ vẫn đạt mức cao khoảng 30,8%, so với mức trung bình 25,3% của giai đoạn 2018-2022.

Theo FPTS, hiện nay giá bán ống nhựa trung bình đang ở mức 56 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 24% so với giai đoạn trước năm 2021 dù nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.

Vì vậy, các doanh nghiệp lớn nhiều khả năng phải hạ giá bán để cạnh tranh và giữ thị phần.

Năm 2024, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ mảng nhựa xây dựng sẽ khả quan hơn, tăng trưởng khoảng 8,5% so với mức nền thấp của 2023. Kỳ vọng đến từ sự tăng trưởng của mảng xây dựng nhà ở khi nhóm khách hàng bất động sản dần hồi phục trong năm 2024 nhờ áp lực lãi vay giảm.

Nhu cầu ống nhựa khả năng sẽ cải thiện từ quý II/2024 và tăng trưởng rõ nét hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, cần lưu ý mức sản lượng tiêu thụ này chưa phục hồi hoàn toàn về mức cao của giai đoạn 2019-2020 vì ngành bất động sản vẫn chưa thực sự thoát khỏi các khó khăn.

Nhìn chung, đơn vị phân tích nhận định, tỷ suất lợi nhuận sau thuế 2024 của các doanh nghiệp nhựa dự kiến sụt giảm so với mức cao của 2023 theo đà giảm của biên lợi nhuận gộp, khi mà các doanh nghiệp lớn đang chịu áp lực giảm giá bán để duy trì năng lực cạnh tranh và dự phóng giá hạt nhựa đầu vào phục hồi.

Mi Lan
Cùng chuyên mục