NM Samsung cuối cùng tại Trung Quốc đóng cửa: Thành phố hóa “thị trấn ma”

11/12/2019 16:25 GMT+7
"Trước đây, các tòa nhà tấp nập dân cư, những người lao động Samsung sinh hoạt mỗi tối. Họ ăn tối tại các nhà hàng, hẹn hò gặp gỡ, đi đến các khu vui chơi hay quán Internet để giải trí. Nhưng giờ đây, những tòa nhà như biến thành một thị trấn ma vậy. Đa số các ngôi nhà không có người ở”.

Nhà máy Samsung Huệ Châu đóng cửa, chuỗi cung ứng địa phương cũng "hấp hối"

Tròn 2 tháng nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc đóng cửa: thành phố hóa “thị trấn ma” - Ảnh 1.

Quang cảnh vắng vẻ sau khi nhà máy Samsung Huệ Châu đóng cửa

Chỉ vài tháng trước đây, nhà hàng nhỏ của cô Lý Băng ở thành phố Huệ Châu phía Bắc Trung Quốc tấp nập thực khách mỗi giờ tan tầm. Nhưng giờ đây, khung cảnh quen thuộc với cô Băng mỗi ngày là những chiếc bàn trống trải, khách hàng thưa thớt. Nguyên nhân đơn giản bởi vài tháng trước, Samsung đã đóng cửa khu phức hợp sản xuất rộng hơn 120.000m2 tại đây.

Nhà hàng của cô Lý Băng là một trong số rất nhiều dịch vụ địa phương được hưởng lợi từ nhà máy Samsung và hàng ngàn công nhân làm việc tại đó trong gần 3 thập kỷ, trước khi Samsung quyết định đóng cửa và chấm dứt hoàn toàn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. “Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, chúng tôi có thể kiếm được 60.000-70.000 NDT (khoảng 210 - 245 triệu đồng) mỗi tháng. Nhưng giờ đây, lượng khách hàng thưa thớt đến mức tôi chỉ kiếm được vài trăm NDT mỗi ngày” - cô Lý than thở.

Hệ quả lớn lao từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã khiến gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung quyết định chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ nhằm hạn chế những tổn thương do thuế quan và các chính sách hạn chế thương mại. Trong lúc các doanh nghiệp như Samsung rời Trung Quốc để tìm kiếm một nơi dừng chân mới, những người dân địa phương như cô Lý phải tìm cách vật lộn với hệ lụy sau đó.

Không riêng những người kinh doanh dịch vụ như cô Lý Băng, nhiều nhân viên Samsung đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ bị buộc thôi việc và nhận lại những chiếc smartphone, smartwatch như một phần trong gói bồi thường của doanh nghiệp.

Nhà máy Samsung Huệ Châu đi vào hoạt động từ tháng 8/1992 và đã bén rễ sâu vào chuỗi cung ứng địa phương trong gần 3 thập kỷ. Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến và hiện đại nhất của Samsung, từ máy nghe nhạc cho đến smartphone. Vào thời hoàng kim hồi năm 2011, hai nhà máy Samsung đặt tại Huệ Châu và Thiên Tân (Trung Quốc) đã sản xuất và xuất khẩu lần lượt 70,14 và 55,64 triệu chiếc điện thoại di động, đưa Samsung thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. 

Hầu hết các tòa nhà 6-7 tầng trong khu phức hợp Jinxinda (khoảng 100 tòa nhà) đều được công nhân Samsung thuê lại, theo ông Huang Fumin, giám đốc một công ty Môi giới bất động sản tại Huệ Châu. ”Ngay khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá thuê mỗi toàn nhà đã giảm từ 4,8 triệu NDT trong tháng 8 xuống 3,8 triệu NDT nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm. Trước đây, các tòa nhà tấp nập dân cư, những người lao động sinh hoạt mỗi tối. Họ ăn tối tại các nhà hàng, hẹn hò gặp gỡ, đi đến các khu vui chơi hay quán Internet để giải trí. Nhưng giờ đây, những tòa nhà như biến thành một thị trấn ma vậy. Đa số các ngôi nhà không có người ở”. 

Tròn 2 tháng nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc đóng cửa: thành phố hóa “thị trấn ma” - Ảnh 2.

Khoảng 60% các cửa hàng quanh nhà máy Samsung Huệ Châu đóng cửa

Người dân không thể làm gì ngoài chờ đợi

“Samsung là doanh nghiệp sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới. Nhà máy Samsung tại Huệ Châu chiếm vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng tại tỉnh Quảng Đông cùng các tỉnh lân cận trong hơn 20 năm qua” - ông Liu Kaiming, nhà quản lý Viện Quan sát đương đại, đơn vị giám sát điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy lớn tại Trung Quốc nhận định. “Ít nhất 100 cơ sở kinh doanh sản xuất ở Quảng Đông sẽ phải đóng cửa do hệ lụy từ sự rút lui của nhà máy Samsung Huệ Châu, chứ không riêng gì những cửa nhà, nhà hàng dịch vụ trong khu vực” - ông Liu nói thêm.

Tác động của sự kiện nhà máy Samsung đóng cửa thậm chí còn trải dài đến các khu vực ở phía xa như thị trấn Changan (Đông Quan) nằm cách Huệ Châu tới 100km về phía Tây, trụ sở công ty robot hàng đầu Trung Quốc Janus Intelligent Group. Năm ngoái, Janus đã báo cáo doanh thu giảm 14,25% tương đương lỗ ròng 2,86 tỷ NDT (tức 405 triệu USD) do Samsung ngừng các đơn đặt hàng từ quý IV/2018. Hồi tháng 9/2019, Janus đã phải bán phần lớn vốn chủ sở hữu trong nhà máy ở Đông Quan cho Firstar Panel Technology. Việc Samsung rút khỏi Trung Quốc đã khiến Janus lao đao, hàng ngàn công nhân có nguy cơ mất việc dù hội đồng quản trị Firstar Panel Technology chưa đưa ra bình luận về một kế hoạch sa thải trong ngắn hạn. “Nhà máy không còn sản xuất những đơn hàng từ Samsung. Người lao động sẽ có thêm những ngày nghỉ” - lãnh đạo Firstar Panel Technology cho hay.

Đầu tháng 12, giới truyền thông đã bắt gặp nhiều công nhân Janus ngồi tụ tập gần nhà máy. “Chúng tôi đi làm 4 tiếng buổi sáng trước khi được thông báo sẽ được nghỉ trong ngày làm việc tiếp theo. Ban quản lý cho biết không có đủ nguyên liệu và đơn hàng để sản xuất” - một nữ công nhân cho hay. Kể từ tháng 11, khoảng 2.000 người lao động đã được yêu cầu cắt giảm ca làm việc, chỉ làm việc khoảng 10 ngày/ tháng với nhiều lý do khác nhau. 

Khó mà tưởng tượng được vài năm trước đó, khi còn những đơn hàng ổn định từ Samsung, quy mô nhà máy có thời điểm lên tới 10.000 lao động với hàng loạt nhà xưởng. Janus thậm chí thuê tới 40 tòa nhà 6-7 tầng làm kí túc xá cho nhân viên, mà hiện nay chỉ còn khoảng 20 tòa nhà được thuê lại. 

Quay trở lại Huệ Châu, nơi tác động từ sự rời đi của Samsung mạnh mẽ nhất, chính quyền địa phương vẫn chưa thể đưa ra một kế hoạch phát triển khả quan cho thành phố. Lý Hoa, chủ một cửa hàng tiện lợi ở Huệ Châu cho hay: “Doanh số của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với hồi tháng 8, khi đa số công nhân Samsung còn làm việc. Mỗi cửa hàng ở đây, từ nhà thuốc, siêu thị, nhà hàng cho tới quán cafe, khách sạn, cửa hàng tiện lợi… đều chết mòn khi không còn sức tiêu thụ từ người lao động của Samsung.”

Theo dữ liệu của cơ quan hải quan thành phố Huệ Châu, trong tháng 10/2019, tức tháng đầu tiên nhà máy Samsung đóng cửa, doanh số sản xuất của các doanh nghiệp trong thành phố đã giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 14 tỷ NDT (khoảng 2 tỷ USD). 

Giờ đây, những chủ cửa hàng dịch vụ địa phương như cô Lý Băng hay anh Lý Hoa không thể làm gì ngoài chờ đợi. “Chúng tôi hy vọng có những nhà máy khác với quy mô từ 2.000-3.000 công nhân trở lên chuyển tới Huệ Châu càng sớm càng tốt. Chỉ khi có công nhân, chúng tôi mới có thể tiếp tục kinh doanh để kiếm kế sinh nhai” - cô Lý cho hay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục