6 rào cản lớn "kìm hãm" tín dụng nông nghiệp

09/10/2024 14:05 GMT+7
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ 6 khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm khoảng 20%-21% dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Đến tháng 12/2023, dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp sạch đạt 27.649 tỷ đồng. Dư nợ cho vay liên kết, chuỗi giá trị trong nông nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2023 tăng 13,42%/năm.

6 thách thức lớn của tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong cung ứng nguồn vốn tín dụng dài hạn, giá rẻ cho khu vực nông nghiệp nông thôn do nguồn vốn chính để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay khu vực này hiện nay là vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (chủ yếu là tiền gửi); trong khi đây là những nguồn vốn có kỳ hạn ngắn, được huy động theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, kết quả triển khai một số chính sách chưa được như kỳ vọng.

Bà Giang chỉ rõ, cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; Dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với HTX còn thấp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khó tiếp cận vốn tín dụng.

Dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến mặc dù Nghị định đã quy định đầy đủ các chính sách khuyến khích cho các lĩnh vực này.

Thứ ba, công tác thẩm định, xem xét cho vay, quản lý khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như: Chi phí quản lý khoản vay cao do các khoản vay trong lĩnh vực NNNT đa phần nhỏ lẻ, số lượng khách hàng lớn, phân tán trên địa bàn rộng; Tài sản bảo đảm trong cho vay NNNT là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá; đối với TSBĐ là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý; Thiếu định mức kinh tế kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay

Thứ tư, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi và xử lý nợ vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do đặc thù rủi ro của ngành chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến người dân bị thiệt hại hoặc không còn khả năng tái sản xuất; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng còn bất cập (ví dụ về xử lý quyền sử dụng đất, nhà ở để thu hồi nợ vay, chế tài bắt buộc người vay bàn giao tài sản cho ngân hàng hoặc ngân hàng có quyền phát mãi tài sản giữ hộ để thu hồi nợ).

Ngoài ra, ý thức của khách hàng vay, có tâm lý trông chờ, ỷ lại nhiều vào chính sách của Nhà nước.

Thứ năm, một số TCTD như Agribank đã phát triển phương thức cho vay thông qua các tổ vay vốn ủy thác qua 02 tổ chức chính trị - xã hội là Hội nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai qua phương thức này còn một số khó khăn như: Kế hoạch sản xuất kinh doanh của hội viên mang tính chất riêng lẻ, chưa có dự án chung. Vai trò của tổ vay vốn chưa đem lại lợi ích cho tổ viên như giá cả thấp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, không có các cấp các ngành hỗ trợ. Tại địa bàn nông thôn, hộ nông dân còn chưa biết nhiều đến các TCTD cho vay phát triển NNNT, thường chỉ thông qua các tổ vay vốn tại xã, trong khi công tác tư vấn và liên kết vay vốn chưa được chặt chẽ, tỷ trọng cho vay thông qua các tổ liên kết trên tổng dư nợ chưa cao, số tiền cho vay bình quân chưa đáp ứng đủ nhu cầu canh tác, cải tạo và phát triển ngành nghề tại nông thôn.

Thứ sáu, việc đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn đối mặt với một số thách thức khác như: Đặc thù sản xuất ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thiên tai, dịch bệnh; giá cả, thị trường đầu ra chưa ổn định; ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững trong khi các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp/công cụ phòng ngừa rủi ro tại Việt Nam còn chưa phát triển rộng rãi, chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn chậm triển khai; Việc thay đổi địa giới hành chính từ nông thôn lên thành thị (xã lên phường, thị trấn) khiến một bộ phận người dân không được thụ hưởng chính sách theo Nghị định; Theo xu hướng phát triển phát sinh một số định hướng mới trong sản xuất nông nghiệp như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được quy định, tiêu chuẩn đối với các vấn đề này.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục