Nông sản tận dụng "cơ hội vàng"

10/10/2020 08:58 GMT+7
Dư địa để Việt Nam tăng xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản sang châu Âu (EU) còn rất lớn khi hàng Việt Nam có thêm lợi thế về giá

Ngày 9-10, tại TP HCM, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp (DN) nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) phối hợp tổ chức Hội nghị "Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) - Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu".

Theo ông Lê Duy Minh, Chủ tịch VFAEA, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vào EU còn rất lớn nhờ những lợi thế của hàng Việt Nam mà EVFTA mang lại.

Chuyển đơn hàng sang Việt Nam

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, thông tin hiện đơn hàng xuất khẩu sang EU của DN đang tăng. Nhiều nhà nhập khẩu EU trước đây mua hàng nông sản của Thái Lan nay chuyển sang nhập hàng Việt Nam vì không phải đóng thuế nhập khẩu. Giá thành rau quả Việt Nam tại EU thấp hơn, tiêu thụ tốt nên nhà nhập khẩu cũng mua hàng nhiều hơn. "Xuất khẩu rau quả sang EU tuy khó nhưng cũng vì khó mà ít sự cạnh tranh hơn" - ông Tùng nhìn nhận.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit, phân tích thêm, trước đây rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu bằng đường hàng không, cước phí rất cao cộng giá hàng hóa, rồi dùng đó làm căn cứ tính thuế nhập khẩu làm đội giá thành. Do vậy, việc thuế suất về 0% tạo ra lợi thế rất lớn cho rau quả Việt Nam. "Với rau quả, EU không giới hạn mặt hàng và sản lượng nhập khẩu, miễn có xuất xứ Việt Nam, có hợp đồng mua bán là được. Trong khi đó, nhiều thị trường chính của rau quả Việt Nam đòi hỏi phải đàm phán mở cửa từng mặt hàng, khi xuất khẩu còn phải xử lý nhiệt bằng hơi nước rất tốn kém. Hơn nữa, rau quả nhiệt đới từ Việt Nam không phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ôn đới của EU nên tiềm năng của Việt Nam rất lớn. Tương lai, khi Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ bảo quản có thể giữ rau quả tươi hơn 40 ngày để vận chuyển bằng đường tàu biển với chi phí thấp, giá thành rẻ hơn. Khi đó, rau quả Việt Nam sẽ càng chiếm thế thượng phong so với các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… hiện chưa có FTA với EU" - ông Nguyên dự báo.

Nông sản tận dụng cơ hội vàng - Ảnh 1.

Một số công nghệ được doanh nghiệp giới thiệu giúp bảo quản trái cây tươi từ 20-40 ngày

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng nhìn nhận với thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm như EU thì nguyên liệu rau quả phù hợp còn hiếm. Lý do là canh tác ở Việt Nam còn manh mún, số trang trại có chứng nhận GlobalGAP, tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU chỉ chiếm 3%-4% nên DN khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Do đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ trong việc tuyên truyền, tập hợp nông dân liên kết với DN xây dựng vùng trồng đáp ứng yêu cầu thị trường EU về số lượng, chất lượng.

Vượt qua rào cản

Ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho hay trước khi EVFTA có hiệu lực, mật ong Việt Nam xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế suất 0% nhưng đây là một thị trường rất khó tính, kiểm soát chặt chẽ nhiều chỉ tiêu mà những thị trường khác không cần nên sản lượng xuất khẩu rất hạn chế. Do vậy, để khai thác được thị trường EU, nơi mua giá cao hơn những thị trường khác, nông dân cần sự hướng dẫn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, độ chín của mật thu hoạch và DN thay đổi công nghệ chế biến để đạt chuẩn EU. Ngoài ra, sáp ong và sữa ong chúa là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu nhưng chưa có trong danh sách được EU cấp phép nhập khẩu. Do đó, cơ quan chức năng cần đưa 2 mặt hàng này vào danh mục đàm phán mở cửa trong thời gian tới.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, đánh giá EVFTA là một hiệp định toàn diện, có mức cam kết cao, cân bằng lợi ích Việt Nam - EU trong bối cảnh trình độ phát triển kinh tế khác nhau (GDP/người EU là 32.000 USD trong khi Việt Nam là 2.800 USD). EVFTA có hiệu lực đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU.

"Sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang EU tháng 8 và 9 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019; riêng tháng 9 tăng hơn 14%. Bên cạnh tăng kim ngạch xuất khẩu, EVFTA còn góp phần thu hút đầu tư từ EU sang Việt Nam, thúc đẩy cải cách thể chế để phù hợp với cam kết. Cơ hội lớn nhưng thách thức rất nhiều, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, sự cạnh tranh về giá cả thì những vấn đề mới mà DN phải lưu tâm. Đó là sản phẩm phải thân thiện với môi trường, DN phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, vấn đề về lao động, bình đẳng giới,…" - ông Thành lưu ý.

Theo ông Phạm Văn Duy, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện EU chỉ chiếm 5%-8% thị phần xuất khẩu mật ong Việt Nam. “Chúng tôi ghi nhận ý kiến của Hội Nuôi ong Việt Nam để đưa vào chương trình đàm phán sắp tới. EU là thị trường khó tính, khi đáp ứng yêu cầu của EU sẽ giúp DN có thể mở cánh cửa tất cả thị trường, không chỉ riêng EU” - ông Duy nhấn mạnh.

  Nông sản Việt Nam chiếm thị phần nhỏ ở EU 

Theo Ngọc Ánh/NLĐ
Cùng chuyên mục