"Nước Mỹ dưới thời Donald Trump vững mạnh như thành đồng"

02/11/2019 10:38 GMT+7
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố dữ liệu tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong tháng 10, khiến chứng khoán Mỹ leo dốc, S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới. Không thể nghi ngờ, đây chính là một sự củng cố mạnh mẽ cho lập trường của Tổng thống Donald Trump trên bàn đàm phán Mỹ Trung.
"Nước Mỹ dưới thời Donald Trump vững mạnh như thành đồng" - Ảnh 1.

Báo cáo việc làm tăng mạnh đã tiếp thêm sức mạnh cho Chính quyền Donald Trump trên bàn đàm phán Mỹ Trung

Báo cáo việc làm tháng 10 được Bộ Lao động Mỹ công bố đã cho thấy mức tăng trưởng 128.000 việc làm, cao hơn gần 70% so với dự kiến của các nhà phân tích. Đặc biệt hơn, Bộ Lao động Mỹ còn nâng mức tăng trưởng việc làm tháng 9 từ 136.000 lên 180.000 và tháng 8 từ 168.000 lên 219.000.

Như vậy, chỉ trong tháng 8 và tháng 9, tổng số việc làm thực tế được tạo ra trong nền kinh tế Mỹ đã tăng hơn 31% so với báo cáo trước đó. Và bất chấp khủng hoảng đình công tại General Motors khiến các chuyên gia dự đoán thị trường lao động Mỹ biến động lớn, tăng trưởng việc làm vẫn đạt tới 128.000. Sự ổn định trên thị trường lao động chắc chắn sẽ tạo đà cho chi tiêu tiêu dùng - một trong những động lực chính của kinh tế Mỹ hiện nay - tiếp tục tăng lên.

Báo cáo việc làm được công bố trong một thời điểm quan trọng, khi Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành những cuộc thảo luận cuối cùng để hoàn thiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Rõ ràng, việc nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định với thị trường lao động mạnh mẽ sẽ là động lực lớn của Chính quyền Donald Trump trên bàn đàm phán. Cùng với đó, chứng khoán phố Wall đang ở mức cao nhất mọi thời đại, S&P 500 và Nasdaq đồng thời lập đỉnh mới cũng thể hiện sức mạnh nội tại dồi dào của kinh tế Mỹ. Đặt lên bàn cân, Trung Quốc rõ ràng đang lép vế Mỹ.

Hôm 31/10, Cục Thống kê Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất nước này chỉ đạt 49,3, dưới mức trung lập 50, thể hiện sự thu hẹp mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. GDP quý III của Trung Quốc cũng chỉ tăng 6%, mức tăng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ do ngấm đòn thương chiến. Kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang lao đao. Vậy nên, đứng trước một nền kinh tế Mỹ ổn định được tiếp sức thêm loạt chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang FED, Bắc Kinh giờ đây có lẽ phải e ngại. 

Tổng thống Donald Trump hôm 1/11 đăng trên Twitter: “Thật tuyệt vời, dữ liệu việc làm tốt đẹp vừa được công bố, bất chấp cuộc đình công ở General Motors. Những con số vượt xa kỳ vọng. Nước Mỹ hùng mạnh muôn năm”.

Đặt trong bối cảnh chính trị, những đối thủ của Donald Trump như các ứng viên Tổng thống đảng đối lập và cả phía Bắc Kinh có thể sẽ cố gắng chứng minh kinh tế Mỹ thực sự không tốt đẹp như những gì các dữ liệu đang phản ánh. Nhưng đó chỉ là cuộc cãi vã vô ích mà thôi, khi chứng khoán Mỹ đang đạt đỉnh và từ nhà đầu tư cho đến người tiêu dùng đề tin tưởng vào kết quả đó. 

Người ta có thể chứng minh rằng PMI sản xuất của nước Mỹ đang thu hẹp còn người nông dân Mỹ thì quằn quại vì thương chiến, nhưng cả hai lĩnh vực này đều không đóng vai trò chủ lực trong tổng thể nền kinh tế Mỹ hiện nay. Vai trò chủ lực thuộc về lĩnh vực dịch vụ và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp nhiều lực cản. Đó chính là lý do dữ liệu GDP và thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định trong khi GDP Trung Quốc tụt xuống mức thấp nhất trong hơn 27 năm. 

So sánh như vậy không phải để chỉ ra rằng Mỹ đang thắng cuộc trong chiến tranh thương mại. Các nhà phân tích theo chủ nghĩa thị trường tự do thuần túy đều hiểu rằng không có bên nào giành chiến thắng trong xung đột thương mại. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều, rằng Mỹ đang cho thấy sức mạnh nội tại dồi dào và bền bỉ hơn hẳn nền kinh tế mới nổi Trung Quốc, bất chấp thị trường tỷ dân và hàng loạt chính sách bảo hộ, kích cầu mà Bắc Kinh tung vào thị trường. 

Có lẽ, đúng như lời Tổng thống Donald Trump từng nhận định, Trung Quốc mới là bên nóng lòng muốn tiến tới một thỏa thuận thương mại lúc này.

Việc kinh tế Mỹ tiếp tục vững mạnh bất chấp xung đột thương mại Mỹ Trung sẽ cho Nhà Trắng lợi thế ra sao? Lúc này đây, chính quyền Donald Trump hoàn toàn có thể cân nhắc leo thang thương chiến hoặc kéo dài con đường đi đến thỏa thuận thương mại nếu muốn. Điều đó đồng nghĩa với việc Washington lúc này có khả năng dồn Bắc Kinh đến một hiệp ước có lợi cho Mỹ cả về kinh tế và chính trị, đơn giản vì nước Mỹ dưới thời Trump vững mạnh như thành đồng. 

(Bài viết dưới góc nhìn của Jake Novak - nhà phân tích kinh tế chính trị, nhà sáng lập Jake Novak News, từng làm việc tại CNBC với vai trò nhà sản xuất).

Thùy Dung
Cùng chuyên mục