Nuôi tắc kè "làm chơi ăn thật", mỗi năm thu về nửa tỷ đồng
Tắc kè trông giống như con thạch sùng nhưng to và dài hơn. Loài vật này sống trong những gốc cây, hốc đá, kẽ hở tường nhà. Tắc kè đực kêu thành tiếng, còn tắc kè cái không biết kêu.
Tắc kè cái trưởng thành ở 12 tháng tuổi và bắt đầu đẻ trứng. Nếu cho ăn uống đầy đủ, một tắc kè cái có thể đẻ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa đẻ hai trứng. Tắc kè không ấp trứng, thời gian trứng nở từ 85-100 ngày, tùy nhiệt độ môi trường.
Khi nở tắc kè con chui ra khỏi trứng và hoạt động ngay. Sau thời gian chăm sóc, tắc kè sẽ trưởng thành hoàn toàn trong 12 tháng và lúc này có thể thu hoạch.
Tắc kè thường kiếm ăn vào buổi tối và trong môi trường yên tĩnh. Mồi của tắc kè là sâu bọ, cào cào, châu chấu, bướm, cánh cam, chuồn chuồn, nhện, dế mèn, mối, gián, ong… Chúng không ăn con mồi chết và ruồi nhặng. Tắc kè có thể nhịn ăn, uống dài ngày, mùa rét có thể nhịn ăn bốn tháng.
Theo y học dân tộc, tắc kè là một vị thuốc bổ có tác dụng làm giảm mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chữa nhiều chứng ho kho trị, ho ra máu, hen suyễn, đái rắt, đái són, đau xương, tráng dương bổ thận... rất hiệu quả.
Trong các bài thuốc Nam tắc kè được dùng ngâm rượu hoặc sấy khô tán thành bột để uống. Theo các kết quả phân tích cho thấy thân và đặc biệt là đuôi tắc kè có chứa rất nhiều axit amin và các chất béo có tác dụng kích thích sự hoạt động của hệ thần kinh, tăng sức khỏe con người.
Anh Ngọc Văn Viên (thôn Thượng, xã Long Sơn, huyện Sơn Động, Bắc Giang), hộ gia đình có thu nhập nửa tỷ mỗi năm bằng nuôi tắc kè chia sẻ, mùa sinh sản của tắc kè từ thàng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm.
Mỗi lứa 1 cá thể mẹ sinh sản đạt từ 6 - 8 quả trứng, chúng đẻ liên tục trong nhiều năm, sau 2 - 3 tháng thì trứng nở.
Anh Viên cho biết, kinh nghiệm khi nuôi tắc kè là ngoài việc cung cấp đủ dế mèn, nước uống cho tắc kè, người nuôi cần phải chú ý ghép đàn theo tỷ lệ 1 đực với 4 cái/chuồng nuôi; khi đó tắc kè mới sinh sản tốt, từ đó sẽ nhân đàn nhanh.
Ông chủ trang trại này chia sẻ, quy mô trang trại của gia đình anh ban đầu chỉ 20m2. Đến năm 2013, gia đình anh đầu tư, xây dựng lên 1.000 m2. Hiện anh đang nuôi hơn 3.000 cá thể, gồm cả giống và thương phẩm, có lúc nhiều nhất lên đến 6.000 cá thể.
"Tắc kè thương phẩm xuất bán với giá từ 250.000 - 350.000 đồng/cá thể, khách hàng mua chủ yếu về gây nuôi sinh sản hoặc làm dược liệu. Thị trường tiêu thụ ban đầu là trong tỉnh và hiện nay đã mở rộng ra các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, nhưng cũng không đủ nguồn hàng để cung cấp cho khách hàng. Mấy năm vừa qua, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm", anh Viên nói.
Anh Viên thổ lộ, nuôi tắc kè không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Khi nuôi đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt hơn như thức ăn phải sạch 100%.
Chuồng trại phải thông thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên, mát, nhiệt độ chuồng vừa phải, hàng tuần phải phun thuốc sát trùng và thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ thì tắc kè sẽ không bị mắc bệnh ngoài ra, nhiễm khuẩn hay bị bệnh tiêu hóa.
Về nguồn thức ăn, anh Viên tự nuôi dế mèn để cho tắc kè ăn. Theo anh Viên, với quy trình như vậy, anh chủ động được nguồn thức ăn, lại kiểm soát và không lo dịch bệnh, tắc kè sẽ khỏe mạnh, nhân đàn nhanh, đặc biệt là đỡ được một khoản chi phí không nhỏ.