Ô tô TMT nhận kết quả âm kỷ lục dù phải chấp nhận bán xe cắt lỗ
Kinh doanh chạm đáy
Công ty CP Ô tô TMT (TMT) tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất Vật tư Thiết bị giao thông vận tải, thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam.
Năm 2006, TMT chuyển đổi hình thức sang Công ty CP theo Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động theo GCN ĐKKD cấp tháng 12/2006.
TMT có trụ sở tại tòa nhà
Coninco, số 4 Tôn Thất Tùng, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Vốn
điều lệ thực góp của TMT là hơn 372,8 tỷ đồng. Công ty được biết đến là doanh
nghiệp hoạt động ngành sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô tải Tata, HOWO
và ô tô điện cỡ nhỏ Wuling.
TMT Motor là đối tác của liên doanh General Motors - SAIC - Wuling để sản xuất, lắp ráp và phân phối ôtô điện Wuling tại Việt Nam. Ra mắt từ cuối tháng 6/2023, dòng xe này có hai bản chạy 120 km và 170 km với giá lần lượt là 239 triệu và 279 triệu đồng. Hiện nay, nhiều showroom rao bán Wuling Mini EV nhưng không niêm yết giá phiên bản pin tiêu chuẩn. Trong khi mẫu xe nâng cao pin 120km có giá khoảng 197 triệu và 231 triệu đồng bản nâng cao pin 170km. Còn bản Wuling BinGo được chào bán khoảng 400 triệu đồng.
Kết thúc năm 2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TMT đạt mức 2.338 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán dù đi ngang mức 2.400 tỷ so với năm trước, song năm 2024 lại vượt tổng doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp TMT rớt thẳng xuống mức âm 74,5 tỷ đồng.
Các khoản chi phí tiếp tục là gánh nặng với TMT khiến lợi nhuận thuần 2 năm liên tiếp ở mức âm. Cụ thể, Công ty âm 326 tỷ đồng vào năm 2024, gấp 11 so với mức âm 29,5 tỷ đồng vào năm trước.
Nếu như năm 2023, kết quả kinh doanh của TMT được kéo lại bởi 62 tỷ đồng từ lợi nhuận khác, thì sang đến năm 2024 chỉ còn 1,6 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế trong năm nay của Công ty đứng ở mức âm 324,6 tỷ đồng, trừ chi phí thuế hoãn lại, lãi ròng của TMT ghi nhận âm 324,3 tỷ đồng, chênh lệch 13.682% so với mức dương 2,3 tỷ đồng vào năm 2023. Đáng chú ý, trong năm TMT đã phải chấp nhận bán cắt lỗ, thu hồi vốn để tạo tính thanh khoản, giảm chi phí lãi vay.

Lý giải về tỷ lệ kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng chưa bao giờ gặp phải, TMT cho biết có một phần nguyên nhân đến từ việc Công ty đang tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm cả sản phẩm, nhà cung cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh khác..
Tuy nhiên, HĐQT Công ty vẫn kiên định việc tái cấu trúc để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất bắt đầu từ Quý I/2025. Song song là để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, cán bộ nhân viên và chiến lược lâu dài của Công ty.
Tài sản giảm mạnh, đối diện nhiều rủi ro
Theo báo cáo, lượng tiền mặt của TMT trong năm 2024 được bổ sung mạnh, lên thành 284 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm ngoái. Tuy nhiên, tổng tài sản tại ngày 31/12/2024 của TMT còn 1.465,7 tỷ đồng, giảm 704 tỷ đồng, tương ứng giảm 32,4% so với năm 2023.
Trong tổng cộng nguồn vốn, nợ phải trả của TMT chiếm 92,3%, tương ứng 1.353 tỷ đồng. Nợ từ người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 86,8%.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 112,3 tỷ đồng, thấp hơn 260,4 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp, và chỉ bằng 8,3% nợ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức âm 325,2 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty có khả năng thanh toán tốt với lượng tài sản ngắn hạn lớn, đặc biệt là tiền mặt. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn đến từ tỷ lệ nợ cao so với tổng tài sản. Điều này gây áp lực lên khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn và ảnh hưởng đến dòng tiền. Cùng đó là nguy cơ đến từ tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp – chỉ số đóng vai trò quan trọng trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2024 TMT đặt mục tiêu tiêu thụ 6.582 chiếc xe, tuy nhiên đến cuối năm chỉ bán ra được 3.193 chiếc, tương ứng đạt chỉ 48% kế hoạch. Theo TMT, nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị đến nền kinh tế.
Trong nước, thị trường trái phiếu, bất động sản đóng băng và tiềm ẩn rủi ro. Cùng đó, hạ tầng trì trệ, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sản lượng ô tô thương mại giảm mạnh, bất chấp giá bán xe giảm rất sâu.
Dù đối mặt với muôn vàn rủi ro và nghi ngờ về khả năng tài chính, nhưng TMT vẫn đặt mục tiêu năm 2025 tập trung vào các sản phẩm xe tải thùng trong dải sản phẩm phân phối.
TMT cho biết đã ký được hợp đồng hợp tác với thương hiệu Forland của Trung Quốc. Đối với sản phẩm xe điện, TMT dự kiến đưa thêm một số mẫu xe mới vào thị trường nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Các đối tác được TMT xây dựng bao gồm Tập đoàn Tata từ Ấn Độ; Sinotruk, DFAC, KARY, Forland của Trung Quốc; SGMW liên doanh Mỹ.
Song song là tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà máy xe ô tô điện công suất 3.000 xe/năm tại Hưng Yên, hoàn thiện cơ sở hạ tầng showroom trung bày tại các tỉnh.. và đặt mục tiêu bán ra 8.075 xe, tỷ lệ 152% so với kết quả năm 2024.