Ông Biden gây sức ép, muốn G7 chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc
Một trong những bước này là sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mà ông Biden gọi là kế hoạch “Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn” với trị giá hàng tỷ USD. Kế hoạch này được xem như một giải pháp đối trọng thay thế sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm phát triển các tuyến đường bộ và đường biển nối Đông Á và phần còn lại của thế giới. Bắc Kinh đã thúc đẩy sáng kiến này suốt gần một thập kỷ, mặc dù nó nhận về nhiều chí trích từ phương Tây. Trong khi Washington nhiều lần cáo buộc đây là chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Bắc Kinh đồng thời gieo rắc bẫy nợ cho các quốc gia nghèo, thì chính phủ Trung Quốc khẳng định sáng kiến đa phương này nhằm mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực.
Kế hoạch mới mà ông Biden đưa ra trước G7 sẽ nhận được một phần tài trợ từ những khoản viện trợ cơ sở hạ tầng nước ngoài của Mỹ thông qua các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chính quyền Biden cũng có kế hoạch làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng cường mức đóng góp của Mỹ vào kế hoạch tài trợ phát triển của G7.
“Hy vọng rằng cùng với các đối tác G7, các khu vực tư nhân và nhiều bên liên quan, chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy hàng trăm tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng vào các quốc gia thu nhập thấp đến trung bình có nhu cầu” - một quan chức chính quyền Biden cho hay.
Các trợ lý của chính quyền Biden nhấn mạnh rằng dự án cơ sở hạ tầng này không phải nhằm mục đích buộc các quốc gia lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. “Đây là vấn đề về một tầm nhìn và cách tiếp cận thay thế… Những gì chúng tôi đang thúc đẩy là một chương trình nghị sự tích cực, tự tin, tập trung vào việc tập hợp các quốc gia khác chia sẻ giá trị chung về những vấn đề nhất quán”.
Nhiệm vụ thách thức nhất của ông Biden giờ đây sẽ là thuyết phục các nhà lãnh đạo G7 thực hiện hành động cụ thể để thúc đẩy các nhà lãnh đạo G7 thực hiện các bước chống lại Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Nhưng thay vì gây sức ép buộc G7 trực tiếp lên án những gì Trung Quốc thực hiện ở Tân Cương, ông Biden dự kiến sẽ có cách tiếp cận ngoại giao hơn, chẳng hạn lập luận rằng tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương sẽ phản ánh sự cạnh tranh kinh tế không lành mạnh với các quốc gia khác. “Mục đích là để gửi một lời cảnh tỉnh rằng G7 rất nghiêm túc trong việc bảo vệ nhân quyền và họ cần hợp tác để ngăn chặn tình trạng lao động cưỡng bức”.
Tuy nhiên, ông Denny Roy, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Đông Tây nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng không phải tất cả các thành viên G7 đều sẵn lòng đối đầu với Trung Quốc như những gì Washington yêu cầu. “Ngay cả Nhật Bản, quốc gia thường có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, cũng đã do dự khi ký vào các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc vì hành vi cưỡng bức lao động người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.
Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các cuộc họp của G7.
Sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc vào Chủ nhật, Tổng thống Biden sẽ đến Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào thứ Hai tuần sau. Tại NATO, dự kiến Mỹ cũng sẽ vận động các thành viên tham gia vào một chiến lược chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Biden dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức tương tự ở Brussels như những gì ông đang gặp phải ở Anh hiện tại: sự miễn cưỡng của nhiều nước châu Âu khi lựa chọn việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Vào thứ Ba, ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu.
Sau các cuộc gặp đó, Tổng thống Mỹ dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Geneva với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6.