Ông chủ Thiên Minh Group Trần Trọng Kiên và những cuộc chơi mạo hiểm
Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên vừa cho biết đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir).
Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vào ngày 13/6, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Hàng không Thiên Minh mới thành lập.
Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh gồm ba cổ đông chính gồm Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh sở hữu 30% cổ phần, ông Trần Trọng Kiên sở hữu 60% cổ phần và 10% còn lại thuộc về bà Trần Hằng Thu. Trong đó, theo đăng ký kinh doanh, ông Trần Trọng Kiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc.
Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh đăng ký 7 ngành, nghề gồm: vận tải hành khách hàng không, vận tải hàng hóa hàng không, cho thuê máy bay,... trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không. Trụ sở chính công ty được đặt tại số 187 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Được biết, hiện tại, ông chủ Thiên Minh Group- Trần Trọng Kiên đang hoạt động kinh doanh với 4 mảng chính gồm: du lịch, khách sạn, bán hàng trực tuyến và hàng không. Ngoại trừ lĩnh vực hàng không, sự kết hợp 3 mảng kinh doanh còn lại đem lại doanh thu và mức tăng trưởng 25-30% mỗi năm.
Các lĩnh vực kinh doanh của Thiên Minh Group.
Khởi nghiệp từ kinh doanh du lịch mạo hiểm
Trước khi trở thành tập đoàn với doanh thu hàng chục triệu đô la, tiền thân của TMG từng là Buffalo Tours do ông Trần Trọng Kiên thành lập vào năm 1994 với số vốn ban đầu chỉ 2.000 USD. Buffalo Tours của ông Trần Trọng Kiên là công ty chuyên về điều hành tour du lịch cho khách hàng có khả năng chi trả cao. Sau này, Buffalo Tours trở thành một trong những nhánh kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thiên Minh.
Sau 14 năm thành lập, năm 2008, Buffalo Tours lần đầu mở phòng bán hàng đặt tại Australia. Đến năm 2009, Buffalo Tours mở thêm phòng bán hàng đặt tại Lào, Campuchia, Thái Lan. Cho tới nay, hiện, Buffalo Tours đã mở rộng văn phòng điều hành tại nhiều nước trên thế giới như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Camphuchia, Lào, Myanmar và Nhật Bản.
Hệ thống bán tours của Thiên Minh còn có Asia Outdoors và Peak Việt Nam cung cấp các dịch vụ du lịch mạo hiểm. 2 thương hiệu chuyên bán tours khác là Cholon Tours và Liên doanh Go Vacation Việt Nam. Trong đó, Go Vacation Việt Nam hàng năm đón hơn 300.000 khách và bán 1,5 triệu phòng.
Bước ngoặt chuyển mình nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắn
Ông Trần Trọng Kiên mở rộng kinh doanh đa dạng ngành nghề.
Năm 2004, TMG mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn, mở đầu bằng việc mua Khách sạn Festival Huế. Đến năm 2005, Thiên Minh hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd của Australia để thành lập Công ty TNHH Du lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam).
Không những vậy, TMG còn nổi tiếng trong lĩnh vực khách sạn với những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám. Năm 2011, TMG đã thâu tóm thành công chuỗi 7 khách sạn mang thương hiệu Victoria từ EEM Madagascar ở Việt Nam và Luang Prabang, Lào trị giá trên 30 triệu đô la Mỹ.
Tổng số vốn mà TMG đã bỏ ra để mua 3 resort (Victoria Hoi An Beach Resort & Spa, Victoria Can Tho Resort, Victoria Sapa Resort & Spa) trong số chuỗi 7 khách sạn từ EEM Madagascar là 29,2 triệu USD. Trong đó ở Hội An là 11,5 triệu USD, ở Cần Thơ là 9,7 triệu USD và ở Sapa là 8 triệu USD.
Sau 5 năm hoạt động, Thiên Minh đã bán 3 resort này với tổng giá trị 48,7 triệu USD, lãi chênh lệch 19,5 triệu USD. Trong đó, riêng Victoria Hoi An Beach Resort & Spa lãi hơn 2 lần khi bán với giá 24 triệu USD.
Cũng tại năm 2011, Thiên Minh phối hợp với tập đoàn Wotif Australia ra mắt hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến IVIVU.com. Chỉ sau 2 năm hoạt động, IVIVU đã năm 7% thị phần mảng đặt phòng khách sạn trực tuyến.
Năm 2014, TMG lọt vào danh sách 20 công ty tăng trưởng toàn cầu Global Growth Companies (GGCs) của khu vực Đông Nam Á do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn.
Tham vọng gia nhập thị trường hàng không
TMG chính thức gia nhập thị trường hàng không từ năm 2011 khi thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu hợp tác giữa TMG- do ông Trần Trọng Kiên làm Chủ tịch kiêm CEO cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành. Công ty cổ phần hàng không Hải Âu chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch bằng thủy phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi),... Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam.
Thủy phi cơ của Công ty cổ phần hàng không Hải Âu.
Đến năm 2013, TMG là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần hàng không Hải Âu sau khi mua lại 89% cổ phần tại công ty này với trị giá 54 tỷ đồng. Ngay sau đó, Hải Âu tuyên bố rót 3,2 triệu USD để mua thêm 2 chiếc thủy phi cơ hiện đại, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 3 chiếc, nhằm khai phá mảng du lịch biển bằng hàng không bằng dịch vụ thủy phi cơ,...
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm vận hành dịch vụ thủy phi cơ, công ty Hải Âu vẫn báo lỗ, trong đó, các thủy phi cơ này chưa khai thác hết công suất, một năm chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay cho 3 tàu thủy phi cơ.
Đến cuối tháng 12/2018, Công ty cổ phần hàng không Hải Âu do ông Trần Trọng Kiên sáng lập và Air Asia chính thức bắt tay ký thỏa thuận cùng xây dựng hãng hàng không giá rẻ mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, TMG và Air Asia đã chấm dứt hợp tác trong việc thành lập một liên doanh do không tìm được tiếng nói chung trong các thỏa thuận.
Hợp tác liên doanh với Air Asia bất thành, TMG không chùn bước mà tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thành lập hãng hàng không mới mang tên “Cánh Diều”. Dự kiến, Hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh sẽ thành lập tại Cảng Hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.
Dự kiến tới năm 2024, Thiên Minh sẽ đầu tư tổng cộng 30 máy bay cho hãng hàng không Cánh Diều.
Về quy mô dự án, Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương).
Trong năm đầu tiên hoạt động, Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72. Đến năm thứ hai, số tàu bay này sẽ tăng lên lên gấp đôi. Trong năm thứ ba, Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321. Sau đó, trong các năm thứ tư và thứ năm, mỗi năm, Thiên Minh sẽ đưa thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác.
Việc thành lập Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh với mức vốn 1.000 tỷ đồng cho thấy tham vọng gia nhập thị trường hàng không của ông chủ Trần Trọng Kiên. Với sự nhập cuộc của hãng hàng không Cánh Diều, thị trường hàng không hứa hẹn sẽ cạnh tranh hết sức khốc liệt trong thời gian tới.