Ông chủ vựa lan lớn nhất nhì miền Bắc: "Để có chậu lan đẹp, phải chăm như chăm con"
Xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội được ví như vựa lan lớn nhất nhì miền Bắc. Tuy diện tích không lớn nhưng nơi đây có tới hàng trăm hộ trồng hoa lan.
Tìm được hộ trồng lan không khó, nhưng để hỏi thêm thông tin thì phóng viên gặp rất nhiều khó khăn, vì dường như họ "đang cố né tránh báo chí".
Phóng viên Etime tìm đến vườn lan của anh Trịnh Đắc Thái, nơi được mệnh danh "có vườn lan rừng lớn nhất nhì Đông La". Anh Thái kể: "Để có được một giò lan đẹp, người trồng không những cần có đam mê, cần cù mà còn phải tinh mắt, đúc rút những bí quyết riêng trong quá trình làm nghề. Đồng thời không ngừng học hỏi từ những chủ vườn lớn.
Chăm lan cẩn thận như chăm con, vì chỉ cần sơ suất là cây sẽ bị thối, hoặc dáng không đẹp. Đầu tiên anh mua lại lan rừng từ người dân, sau đó tuyển chọn. Những gốc đẹp, có nhiều cây con khỏe sẽ được mang về vườn. Sau quá trình chăm sóc, lan sẽ được chiết ra từng chậu, mỗi chậu cũng cần được cung cấp đủ ánh sáng, nước, không khí thì mới phát triển tốt được".
Nhắc lại những ngày đầu bước chân vào nghề, anh Thái nhớ lại: "Anh làm nghề này cũng được gần chục năm rồi. Sau một lần đi thăm vườn lan nhà bạn, anh thấy thích, sau đó tìm hiểu nhiều hơn và quyết định đầu tư nhà vườn. Anh chọn nguồn lan rừng vì nó có nhiều hoa đẹp, sống cũng khỏe hơn. Ở miền Bắc mưa nắng nhiều nên khi chăm cũng cần những kĩ thuật riêng.
Giá trị một chậu lan phụ thuộc vào giống thường hay đột biến, vào loại thân hay lá, hoa đẹp hay hoa thường nên giá thì cũng vô chừng. Có gốc thì vài trăm, vài triệu, những chậu đột biến thì chỉ vài xăng-ti-mét cũng có giá vài tỷ".
Hiện vườn lan là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Thái. Thỉnh thoảng anh sẽ thuê thêm nhân công để thu dọn vườn, nhặt bỏ lan hỏng. Nhưng chủ yếu vẫn là hai vợ chồng chăm sóc.