Ông Đặng Thành Tâm muốn tăng sở hữu gián tiếp tại Kinh Bắc City (KBC)
Công ty của ông Đặng Thành Tâm muốn mua thêm 10 triệu cổ phiếu Kinh Bắc City (KBC)
CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (Kinh Bắc City). Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 28/9 – 27/10/2020.
Trước giao dịch, Vinatex Tân Tạo đang sở hữu gần 11 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng 2,34% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Kinh Bắc City.
Trong khi đó, người có liên quan là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc City đang trực tiếp nắm giữ 85,25 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng tỷ lệ 18,15% cổ phần. Ông Đặng Thành Tâm cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Vinatex Tân Tạo.
Trên thị trường, cổ phiếu KBC biến động khá mạnh từ đầu năm 2020 đến nay. Sau giai đoạn giảm sâu do tác động của dịch Covid-19, cổ phiếu này bắt đầu phục hồi mạnh từ cuối tháng 3 và nhanh chóng trở lại vùng giá trước dịch chỉ sau chưa đầy 3 tháng.
Tại vùng giá gần đỉnh, cổ phiếu KBC bất ngờ hạ nhiệt bất chấp có tin hỗ trợ từ việc Vinatex Tân Tạo đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu thời điểm đó. Cổ phiếu này có thời điểm đã điều chỉnh sâu về mức 12.400 đồng/cổ phiếu trước khi phục hồi lên vùng giá quanh 13.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Ước tính tại mức thị giá này, số tiền Vinatex Tân Tạo phải chi cho giao dịch lần này vào khoảng gần 140 tỷ đồng.
Yeah1 (YEG) muốn bán cổ phiếu quỹ với giá từ 35.000 – 85.000 đồng/cổ phiếu
CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) đã bổ sung mức giá bán cổ phiếu quỹ trong khoảng từ 35.000 – 85.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền có thể thu về tối thiểu gần 62 tỷ đồng và tối đa hơn 150 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2020, HĐQT YEG đã thông qua phương án bán hơn 1,77 triệu cổ phiếu quỹ nhằm thu nguồn tiền bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư. Thời gian giao dịch dự kiến sau khi được UBCKNN chấp thuận và sau 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố thông tin. Cổ phiếu dự kiến được bán khớp lệnh hoặc thông qua thoả thuận, đại lý thực hiện là Chứng khoán Stanley Brothers.
Số cổ phiếu quỹ trên được Yeah1 mua lại hồi giữa năm 2019 với giá bình quân hơn 80.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền bỏ ra gần 142 tỷ đồng. Ước tính tại mức thị giá cổ phiếu YEG hiện tại, giá trị thị trường của lô cổ phiếu quỹ này vào khoảng gần 87 tỷ đồng.
Trên thị trường, sau giai đoạn tăng sốc hồi tháng 2, cổ phiếu YEG có thời điểm đã leo lên mức 82.000 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 2 lần sau 1 tháng nhờ thông tin “bắt tay” với Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu này cũng nhanh chóng hạ nhiệt và điều chỉnh sâu về mức 49.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Mới đây HĐQT Yeah1 đã thông qua việc phát triển mảng thương mại đa kênh M2C (manufacturer to consumer) trên thế mạnh nền tảng truyền thông từ Yeah1, với việc cấu trúc các công ty thành viên và các tài sản có liên quan, gọi chung là Giga1 với mức định giá không thấp hơn 60 triệu USD.
EVN đấu giá 2,65 triệu cổ phiếu EVN Finance (EVF) với giá khởi điểm gấp đôi thị giá
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo về việc bán đấu giá cổ phần của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance – mã EVF) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu.
Theo đó, EVN sẽ đưa 2,65 triệu cổ phần EVN Finance ra bán đấu giá với giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền thu về hơn 46 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 8h30 ngày 26/10/2020 tại trụ sở HNX.
Trước đó vào tháng 8/2019, EVN cũng đã bán thành công 16,25 triệu cổ phần trên 18,75 triệu cổ phần EVN Finance mang ra đấu giá. Giá đấu thành công bình quân bằng với giá khởi điểm 13.480 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền thu về hơn 219 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, thị giá cổ phiếu EVF xấp xỉ 8.300 đồng/cổ phần, thấp hơn 40% so với giá đấu thành công.
Trên thị trường, cổ phiếu EVF đang trong nhịp tăng khá mạnh từ cuối tháng 7 qua đó leo lên 7.900 đồng/cổ phiếu, tăng 32% sau 2 tháng. Dù vậy, mức thị giá này mới chỉ bằng chưa đến một nửa giá khởi điểm EVN đưa ra cho đợt đấu giá lần này.
Một lãnh đạo của Nước Thủ Dầu Một (TDM) muốn bán bớt 1,65 triệu cổ phiếu
Ông Võ Văn Bình, Thành viên HĐQT của CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã TDM) đã đăng ký bán ra 1,65 triệu cổ phiếu TDM nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 30/9 - 29/10/2020. Nếu giao dịch thành công, ông Bình sẽ hạ sở hữu từ mức 4,15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,33% vốn) xuống còn 2,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,61% vốn).
Trên thị trường, sau giai đoạn tăng mạnh trong quý II, cổ phiếu TDM gần như đi ngang trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Kết thúc ngày 23/9, cổ phiếu này dừng ở mức 23.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 50% so với vùng đáy hồi cuối tháng 3. Tạm tính tại mức thị giá này, ông Bình có thể thu về gần 40 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Mới đây, TDM vừa thực hiện phát hành 4,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) qua đó nâng số lượng cổ phiếu sau khi thay đổi niêm yết tăng lên mức 100 triệu đơn vị từ ngày 22/09/2020.
Trong một diễn biến khác, TDM cũng đã thông qua chủ trương mua vào hơn 14 triệu cổ phiếu của CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase – mã BWE) để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 38,5% vốn điều lệ sau khi doanh nghiệp này tăng vốn. Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, khớp lệnh và đấu giá công khai từ tháng 9/2020.
Ước tính tại mức thị giá cổ phiếu BWE chốt ngày 23/9 (26.300 đồng/cổ phiếu), số tiền TDM dự chi cho thương vụ lần này có thể lên đến gần 370 tỷ đồng.
Cổ phiếu Nam Long Group (NLG) tăng hơn 60% trong nửa năm, con trai Chủ tịch HĐQT muốn giảm sở hữu
Ông Nguyễn Nam, con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang đã đăng ký bán ra 1,33 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 30/9 - 28/10/2020.
Sau giao dịch, ông Nam sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,6% xuống còn 0,07% cổ phần. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Quang đang là cổ đông lớn nhất tại Nam Long sở hữu 36,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,74% cổ phần.
Trên thị trường, cổ phiếu NLG tăng khá mạnh từ cuối tháng 3 qua đó nhanh chóng phục hồi về vùng giá trước khi dịch Coivd-19 bùng phát. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh vùng đỉnh 1 năm với 25.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% sau nửa năm. Tạm tính tại mức thị giá này, số tiền ông Nam có thể thu về gần 34 tỷ đồng cho thương vụ này.
Về Nam Long, công ty dự kiến sẽ phát hành hơn 25,57 triệu cổ phiếu mới (tỷ lệ 10,24%) bao gồm hơn 1,67 triệu cổ phiếu ESOP và 23,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo danh sách cổ đông chốt ngày 25/9. Nguồn vốn trả cổ tức lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán năm 2019 và nguồn vốn phát hành cổ phiếu ESOP lấy từ quỹ khen thưởng.