Ông Tập tự tin Trung Quốc trụ vững sau đại dịch, không quên "đá xoáy" TT Trump
Phát biểu của Chủ tịch Tập được đưa ra tại cuộc thảo luận với các đại biểu Quốc hội trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) trong bối cảnh nền kinh tế này gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Trong quý I/2020, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng GDP -6,8%, mức tăng trưởng âm đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thậm chí dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng -3% trong năm 2020, ảnh hưởng trực tiếp đến sự khôi phục của kinh tế Trung Quốc. Đây được dự báo là cuộc suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ hồi Đại suy thoái 1930 đến nay.
Trong khuôn khổ bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra nhiều lợi thế của nền kinh tế Trung Quốc để làm minh chứng cho triển vọng phục hồi: “Nước ta có hệ sinh thái công nghiệp toàn diện nhất với quy mô lớn bậc nhất thế giới. Chúng ta có năng lực sản xuất mạnh mẽ với hơn 100 triệu doanh nghiệp, 170 triệu công nhân được đào tạo trình độ cao và hơn 400 triệu người có thu nhập trung bình, tạo nên thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ ở một quốc gia 1,4 tỷ dân”.
“Trong tương lai, chúng ta phải coi nhu cầu tại nội địa là nền tảng cơ bản và là động lực để đẩy nhanh xây dựng một thị trường tiêu thụ nội địa hoàn chỉnh, thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác” - Chủ tịch Tập nhấn mạnh.
Ông Tập cho biết thêm rằng Trung Quốc đang trên đà phát triển đô thị hóa nhanh chóng, với sự tiến bộ nhanh các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ sinh học… mang lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ.
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và kỳ họp Quốc hội được xem là hai phiên họp nơi Bắc Kinh công khai các chương trình nghị sự kinh tế hàng năm, mục tiêu tăng trưởng và ngân sách quốc gia. Năm nay, như một ngoại lệ đặc biệt, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không đặt mục tiêu con số tăng trưởng kinh tế cụ thể do nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2019 tại Vũ Hán và đã lây lan ra 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Cho đến nay, toàn cầu xác nhận hơn 5 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 330.000 người tử vong. Dịch bệnh cũng gây thiệt hại kinh tế khổng lồ trên quy mô toàn cầu, với làn sóng thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng. “Chúng ta sẽ phải đối mặt với nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái sâu sắc, với sự giảm tốc mạnh mẽ của thương mại và đầu tư quốc tế, sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu làm gián đoạn hoạt động sàn giao dịch quốc tế. Cùng với đó là chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng ở một số quốc gia đẩy lùi nỗ lực toàn cầu hóa, song song với rủi ro địa chính trị bùng phát” - ông Tập tuyên bố mà không đề cập đến quốc gia cụ thể nào, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đứng vững trong việc bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, có đi có lại.
Phát biểu của ông Tập đến đúng vào thời điểm quan hệ Mỹ Trung trở nên căng thẳng và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần buộc Trung Quốc “chịu trách nhiệm” cho sự bùng phát đại dịch, thậm chí đe dọa sẽ áp thuế trả đũa Bắc Kinh sau những thiệt hại nặng nề mà nước Mỹ phải gánh chịu. Mới đây, ông Trump thậm chí đe dọa sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc trong khi Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen. Đây có lẽ chính là lý do khiến Chủ tịch Tập nhấn mạnh "chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng ở một số quốc gia đẩy lùi nỗ lực toàn cầu hóa".
Một số bang của Mỹ như Missouri, Mississippi và các doanh nghiệp Mỹ hiện cũng bắt đầu đệ đơn kiện Trung Quốc ra các tòa án, cơ quan pháp lý để đòi bồi thường sau những thiệt hại to lớn của dịch bệnh. Tính đến nay, hơn 1,6 triệu người Mỹ được xác nhận nhiễm virus corona với hơn 100.000 trường hợp tử vong.