Ông Trump bị chính người Mỹ phản đối dùng thuế quan trong xung đột thương mại
Một cuộc khảo sát kinh tế Mỹ thường xuyên được CNBC tiến hành hàng quý cho thấy 45% người được hỏi không tán thành cách ông Trump xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh trong một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế. 32% số người được hỏi cảm thấy đồng tình với hành động tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống, số còn lại không đưa ra ý kiến.
Ngày 10.5 là mốc đánh dấu căng thẳng thương mại leo thang có nguy cơ phá vỡ đàm phán thương mại Mỹ - Trung, khi ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Có tới 40% số người được hỏi phản đối động thái này và chỉ 28% ủng hộ.
Giờ đây, khi Trung Quốc bắt đầu đáp trả bằng việc áp thuế số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ, thì ông Trump cũng chuẩn bị áp thuế với phần hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD.
Donald Trump không được đa số người Mỹ ủng hộ với chính sách thuế quan của mình
Việc tăng thuế quan được cho là động thái của Nhà Trắng nhằm ép buộc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán thương mại. Tổng thống Trump tuần này tự tin cho rằng Mỹ đang đi đúng hướng trong mối quan hệ với Trung Quốc, ông khẳng định “Trung Quốc đang rất nóng lòng cho một thỏa thuận thương mại.” Nhưng thực tế dường như không phải vậy.
Bằng chứng là các quan chức Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ cố tình kích động chiến tranh thương mại, rằng đây là hành động “khủng bố kinh tế trần trụi” và Trung Quốc sẽ không đàm phán chừng nào Mỹ không cho thấy sự tôn trọng từ phía họ.
Ngay cả khi căng thẳng leo thang, chỉ 32% những người Mỹ được hỏi coi Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế, trong tổng số khoảng 800 người được hỏi. Thực tế, vào tháng 6.2018, con số này chỉ chiếm 25%.
Tuy người Mỹ đa số không tán thành với chính sách thuế quan của ông Trump, nhưng tới 56% người được hỏi đồng ý rằng các hoạt động thương mại của Trung Quốc là không lành mạnh. Dù vậy, chỉ 34% người được hỏi cho biết họ thường không tiêu dùng sản phẩm dán nhãn “made in China”.
Ngoài Trung Quốc, việc ông Trump áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng không được tán đồng. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump thường xuyên sử dụng thuế quan như một công cụ hiệu quả để đẩy đối tác thương mại lên bàn đàm phán với những quyết định có lợi cho phía Mỹ.