Phố Wall lình xình thận trọng chờ báo cáo kết quả kinh doanh then chốt
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 27,13% tại phiên đóng cửa, lên mức 27.359,16 điểm. Chỉ số S & P 500 đã kết thúc ngày giao dịch tăng nhẹ lên 3.014.30 điểm. Chỉ số NASDAQ tăng 0,2% lên 8.258,19 điểm. Đây đều là những mức điểm kỷ lục mà các chỉ số này tạo ra.
Ngân hàng Citigroup mở đầu mùa công bố báo cáo doanh thu với kết quả kinh doanh vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia, do lợi nhuận từ một thương vụ IPO Tradeweb. Cổ phiếu Citigroup đã tăng nhẹ sau khi báo cáo này được công bố, nhưng nhanh chóng giảm và đóng cửa giao dịch tại mức giảm 0,1%.
Các ngân hàng lớn khác như J.P. Morgan Chase, Morgan Stanley, Bank of America và Goldman Sachs dự kiến sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II trong tuần này. Tuy vậy, triển vọng cho các dữ liệu doanh thu trong toàn nền kinh tế là khá ảm đạm. Các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 có thể giảm tới 3% trong quý II, theo Factset.
“Những dự đoán kết quả kinh doanh tiêu cực có khả năng sẽ khiến thị trường tăng nóng một khi báo cáo doanh thu gây bất ngờ” - ông Bruce Bittles, chiến lược gia đầu tư tại Baird cho biết. “Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc giữa một bên là các tín hiệu kinh tế tốt và cắt giảm lãi suất, với một bên là những báo cáo kinh doanh ảm đạm, nguy cơ suy thoái toàn cầu và căng thẳng thương mại”.
Phố Wall tỏ ra thận trọng với những dự báo kết quả kinh doanh quý II ảm đạm
Hồi tuần trước, sau phiên điều trần của chủ tịch FED Jerome Powell trước Hạ viện và Thượng viện Mỹ, các chỉ số chứng khoán đã chứng kiến những mức kỷ lục cao nhất mọi thời đại, khi Dow Jones lần đầu tiên vượt mốc 27.000 còn S&P 500 thì xuyên ngưỡng 3.000. NASDAQ cũng lên mức kỷ lục. Những gì ông Powell thể hiện trong phiên điều trần gần như chắc chắn hứa hẹn một đợt cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7.
Công cụ FedWatch đã cho thấy kỳ vọng 100% cắt giảm ít nhất 0,25% lãi suất trong tháng 7, một số nhà đầu tư thậm chí kỳ vọng cắt giảm tới 0,5% lãi suất. FED viện dẫn những rủi ro suy thoái toàn cầu và sự giảm tốc của kinh tế Mỹ cho một hành động phù hợp và kịp thời để duy trì tăng trưởng.
Ở bên kia thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong 27 năm qua trong quý II.2019 sau hàng loạt xung đột thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn nằm trong kỳ vọng của các nhà phân tích và các số liệu sản xuất công nghiệp, bán lẻ và đầu tư thậm chí vượt lên kỳ vọng.
Tổng thống Donald Trump nhanh chóng lên tiếng, cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là lý do tại sao nước này muốn thực hiện một thỏa thuận với Mỹ. “Tăng trưởng quý II của Trung Quốc thấp nhất trong 27 năm. Thuế quan của Mỹ đã khiến các công ty rời khỏi thị trường Trung Quốc, sang các nước không bị trừng phạt thuế quan. Hàng ngàn công ty đã rời đi. Trung Quốc đang muốn một thỏa thuận hơn bao giờ hết…”