PV Power sẽ bán gần 20 triệu cổ phiếu PVM từ ngày 17/03
Mục đích thực hiện giao dịch là thoái vốn theo kế hoạch tái cơ cấu tổng công ty, phương thức giao dịch là khớp lệnh.
Trước đó, HĐQT POW đã phê duyệt phương án sắp xếp, tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, POW sẽ chỉ còn nắm sở hữu trên 51% tại 4 đơn vị và sẽ thoái sạch vốn tại 8 đơn vị khác (bao gồm PVM).
Đáng chú ý, ngoài PV Power thoái vốn thì Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (HNX: SHS) cũng đăng ký bán toàn bộ 3,8 triệu cổ phiếu PVM, tương ứng 9,9% vốn từ ngày 12/3 đến 11/4. Vào tháng 11/2020, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ đã bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu PVM, tỷ lệ 17,08%.
Tuy nhiên, nhân tố mới tại PV Machino chưa lộ diện.
Trở lại với PVM, theo báo cáo thường niên năm 2020 của CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino, UPCoM: PVM) cho biết, năm 2021, PVM đặt kế hoạch 1.000 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 35% so với năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế 2021 xấp xỉ 50 tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ tăng từ 10% lên 11%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện công tác tái cấu trúc thông qua thoái vốn tại hàng loạt đơn vị như CTCP PEC Hà Nội, CTCP Máy – Thiết bị Việt Nam, CTCP Đóng mới và Sửa chữa Tàu dầu khí Nhơn Trạch Shipyard, CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí miền Bắc Việt Nam, CTCP Thực phẩm Nghệ An do hoạt động yếu kém, có đơn vị gián đoạn hoạt động nên chưa đủ điều kiện thoái vốn. Do vậy công ty tiếp tục nghiên cứu thị trường để thực hiện khi đủ điều kiện và không lỗ.
PVM đang thực hiện tái cơ cấu tại Công ty TNHH MTV Máy – TBDK Sài Gòn và thoái vốn hoàn toàn khỏi CTCP Máy – TBDK Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2021, PV Machino cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như cung cấp vật tư, thiết bị cho các nhà máy của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) và các đơn vị thành viên; tập trung công tác thu hồi công nợ; thực hiện công tác quản lý, đầu tư, khai thác hiệu quả các cơ sở vật chất, tài sản; đầu tư và hợp tác đầu tư các dự án có tính bền vững trong tương lai; hoàn thành công tác tái cấu trúc.
Đáng chú ý, báo cáo thường niên năm 2020 của PVM thông tin thêm, thời gian tới, doanh nghiệp cũng sẽ tập trung vào công tác đầu tư, khai thác cơ sở vật chất sẵn có và các cơ hội đầu tư.
Cụ thể, đối với lô đất tại số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), PVM dự kiến sẽ sửa chữa và cải tạo năm nay. Hiện lô đất số 8 Tràng Thi đang được PVM sử dụng làm văn phòng và kinh doanh nhượng quyền.
Với khu đất tại Đông Anh (Hà Nội), PVM thông tin đã chấm dứt hợp tác dự án và tiếp tục cho thuê tài sản có sẵn tại đây.
Khu đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) 137,4 m2 và khu đất tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân (Hải Phòng) 92,4 m2 , PVM cho biết đã dừng đầu tư xây dựng tại Khương Đình và đang nghiên cứu lập phương án chuyển nhượng vào thích hợp hai khu đất này.
Còn phần vốn góp tại dự án Nam An Khánh, Hà Nội (công ty nắm 10% quyền tham gia dự án HH3 Nam An Khánh), doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nghiên cứu các phương án triển khai phù hợp.
Sau thông tin thoái vốn của POW được công bố, giá cổ phiếu PVM đã tăng mạnh và đang tạm đạt mức đỉnh lịch sử với 30,200 đồng/cp trong phiên sáng 16/03, tăng hơn 34% so với đầu năm.