PVS trình kế hoạch lãi sau thuế 780 tỷ đồng, chi cổ tức 7% bằng cổ phiếu
Theo tài liệu, năm 2025, PVS trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất 22.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 780 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và giảm 38% so với thực hiện năm trước.
Tổng giá trị đầu tư toàn hệ thống trong năm 2025 ước đạt trên 5.000 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ dự kiến đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như điện gió ngoài khơi, cảng dịch vụ dầu khí, cơ khí công nghiệp và hạ tầng LNG - phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, PVS trình cổ đông thông qua kế hoạch chi cổ tức tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận về 7 cổ phiếu mới. Năm 2025 dự kiến cùng mức chi cổ tức 7% bằng cổ phiếu.
Như vậy, với gần 478 triệu cổ phiếu đang lưu hành, nếu được thông qua, PVS sẽ phát hành thêm 33,45 triệu cổ phiếu mới và nâng vốn điều lệ từ 4.779,7 tỷ đồng lên 5.114,2 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2025.
Theo HĐQT, trong bối cảnh thị trường ngành dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi đang trên đà phát triển mạnh mẽ, việc tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty là từng bước thực hiện chiến lược phát triển và thúc đẩy tăng trưởng.
Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông lần này, PVS sẽ trình cổ đông thông qua Hợp đồng cung cấp, vận hành và bảo dưỡng Kho nổi chứa và xuất dầu khí (FSO) cho dự án Lô B - một trong những mỏ khí lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Dự án có thời hạn khai thác lên tới 23 năm, tổng giá trị hợp đồng ước tính hàng trăm triệu USD, được thực hiện theo mô hình liên doanh với đối tác quốc tế, trong đó PTSC sở hữu 51% vốn điều lệ.
Ban lãnh đạo cho biết, đây là bước đi chiến lược, không chỉ mang lại dòng tiền ổn định dài hạn, mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt của PVS trong chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Với nền tảng tài chính vững chắc, hệ sinh thái dịch vụ ngày càng hoàn chỉnh và danh mục dự án đang mở rộng sang các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, LNG và xuất khẩu điện, PVS đang tích lũy nguồn lực để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.
Năm 2025 được xác định là năm bản lề, mở đầu cho giai đoạn đầu tư trung và dài hạn có chiều sâu, tạo đà vững chắc cho bước phát triển chiến lược mà doanh nghiệp đã chuẩn bị trong những năm qua.
Liên danh PTSC-Sembcorp xuất khẩu điện năng lượng tái tạo sang Malaysia và Singapore
Ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore. Thỏa thuận được ký trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur.

Theo đó, Liên danh Năng lượng Malaysia (gồm Tenaga Nasional Berhad và Petronas), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC; HNX: PVS) và Sembcorp Utilities (Singapore) sẽ hợp tác nghiên cứu xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Malaysia qua tuyến cáp ngầm kết nối lưới điện quốc gia.
Các bên cũng xem xét bổ sung thêm nguồn điện và hệ thống lưu trữ để đảm bảo nguồn cung ổn định.
"Thỏa thuận này thể hiện vai trò của PTSC nói riêng và PVN nói chung trong việc hiện thực hóa các chiến lược về chuyển dịch năng lượng. Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam", ông Trần Hồ Bắc – Tổng Giám đốc PTSC chia sẻ.
Nhìn lại năm qua, năm 2024 ghi dấu mốc tăng trưởng nổi bật của PVS, với doanh thu hợp nhất đạt 24.986 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, vượt 161% kế hoạch năm và tăng hơn 15% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.255 tỷ đồng, hoàn thành 190% kế hoạch và đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.
Điểm sáng trong năm 2024 là doanh thu từ thị trường ngoài nước chiếm trên 50%, chứng minh năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập toàn cầu thông qua việc thực hiện hàng loạt hợp đồng cung ứng dịch vụ kỹ thuật công trình biển tại Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.
Cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực cho thấy mức tăng trưởng rõ rệt ở hầu hết các mảng hoạt động. Mảng cơ khí chế tạo đạt 17.227 tỷ đồng, tăng 49%, chiếm 69% tổng doanh thu; trong đó, các dự án dầu khí - công nghiệp đạt 11.310 tỷ đồng (tăng 56%) và các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi đạt 5.917 tỷ đồng (tăng 38%).
Dịch vụ FSO/FPSO đạt 2.792 tỷ đồng, tăng 7%. Dịch vụ vận tải, lắp đặt và bảo dưỡng công trình biển đạt 3.016 tỷ đồng, tăng 51%. Dịch vụ khảo sát công trình ngầm bằng thiết bị ROV đạt 525 tỷ đồng, tăng 50%. Dịch vụ cảng và logistics đạt 2.156 tỷ đồng, tăng 28%.