Cựu đại sứ Úc: chống lại Bắc Kinh không phải nước đi thông minh vì "Trung Quốc có tiền"

23/06/2020 10:02 GMT+7
“Đó không phải một nước đi thông minh… Đã có cuộc tranh luận lớn trong nhiều năm qua về việc có thể Úc đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng thực tế là có sự hợp tác và quan hệ mật thiết giữa hai nền kinh tế Úc và Trung Quốc” - vị cựu đại sứ Úc khẳng định.
Cựu đại sứ Úc: chống lại Bắc Kinh không phải nước đi thông minh vì "Trung Quốc có tiền" - Ảnh 1.

Căng thẳng Úc - Trung Quốc đang nóng lên trong những tuần qua sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 khiến Bắc Kinh nổi cáu, thổi bùng căng thẳng thương mại

Một cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc là Geoff Raby mới đây nhận định rất ít khả năng sẽ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia này, bởi Canberra sẽ không mạo hiểm đánh cược an ninh quốc gia một khi cố gắng chống lại Bắc Kinh trên mặt trận thương mại. Nhưng ông nói thêm rằng ít khả năng leo thang thương chiến không có nghĩa là căng thẳng địa chính trị sẽ hạ nhiệt. Bởi Úc cho đến giờ vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ và nằm trong liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) do Mỹ dẫn đầu, một liên minh bị Bắc Kinh cáo buộc đang bắt tay để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, Geoff Raby từng giữ chức vụ đại sứ Úc tại Trung Quốc nhiệm kỳ 2007-2011. Ông hiện đang điều hành công ty cố vấn kinh doanh Geoff Raby & Associates có trụ sở tại Bắc Kinh. Trong 27 năm hoạt động, ông Raby đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong vấn đề đối ngoại của Úc, từng có thời gian là đại sứ WTO của Úc. Nhà cựu ngoại giao Úc hiện đã trở thành Đại sứ hữu nghị tại tỉnh Sơn Đông và là Công dân danh dự của thành phố Thành Đô, thường trú tại Trung Quốc. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ SCMP, ông cho rằng: “Một trong những yếu tố cơ bản của an ninh quốc gia là an ninh kinh tế. Việc cải thiện quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc không phải hành động bất hợp pháp, thậm chí nó còn đóng vai trò cốt lõi với an ninh quốc gia để Úc, quyết định việc nền kinh tế Úc sẽ phát triển mạnh mẽ hơn hay tồi tệ đi. Rõ ràng, Úc đã có nền kinh tế Úc mạnh mẽ nhờ Trung Quốc”.

33% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Úc được chuyển đến thị trường Trung Quốc. Ngành giáo dục và du lịch của Úc cũng có sự phụ thuộc lớn và thu về doanh thu đáng kể từ thị trường Trung Quốc. Quan trọng hơn, gần một nửa trong kim ngạch xuất khẩu của Úc là sản phẩm quặng sắt xuất sang Trung Quốc.

“Đó không phải một nước đi thông minh… Đã có cuộc tranh luận lớn trong nhiều năm qua về việc có thể Úc đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng thực tế là có sự hợp tác và quan hệ mật thiết giữa hai nền kinh tế Úc và Trung Quốc” - Geoff Raby.

Úc có thể ngừng xuất quặng sắt sang Trung Quốc, nhưng điều này chỉ làm Brazil vui mừng và tận dụng cơ hội chen chân vào thế chỗ Úc trên thị trường tỷ dân béo bở. Úc có thể tìm đến thị trường Ấn Độ để thay thế cho Trung Quốc, nhưng điều đó khó xảy ra vì sức mua của Trung Quốc lớn hơn Ấn Độ nhiều lần, và Trung Quốc có tiền. Tức là nguy cơ chiến tranh thương mại Trung - Úc là gần như không thể.

Quan hệ thương mại Úc - Trung đã nóng lên trong nhiều tuần qua khi Canberra dẫn đầu kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19 khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc sau đó áp thuế 80,5% với lúa mạch Úc do bán phá giá, khiến các nhà quan sát bắt đầu phán đoán một cuộc chiến tranh thương mại 2.0 giữa các nền kinh tế. Tiếp đó, Trung Quốc thậm chí cảnh báo du học sinh và du khách nước này xem xét lại các chuyến du lịch hoặc kế hoạch học tập tại Úc, cảnh báo sự phân biệt chủng tộc với người Úc gốc Á. Bắc Kinh cho biết hàng trăm người Châu Á đã báo cáo các trường hợp bị phân biệt chủng tội kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đến nay, điều mà phía Canberra cáo buộc rằng sai sự thật. 

Cho đến nay, chưa có động thái nào cho thấy Úc đang đáp trả các biện pháp trừng phạt thương mại từ Trung Quốc, dù nước này từng cảnh báo sẽ cân nhắc trả đũa hồi tuần trước. Nhưng vị cựu đại sứ Raby chỉ ra rằng: “Ngay cả khi Úc nghiêm túc muốn leo thang chiến tranh thương mại, Canberra cũng không có đủ phương tiện và nguồn lực để thực hiện điều đó”. 

Nhưng Úc sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương tiện khác để chống lại Trung Quốc nhằm thể hiện sự ủng hộ với các chính sách của Mỹ. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu đã khiến nhiều nước phương Tây như Mỹ và Úc để mắt”. Nhưng “nỗi lo sợ của Úc rằng Trung Quốc bằng cách nào đó có thể kiểm soát các tổ chức quốc tế đang bị thổi phồng quá mức”, ông Raby cho hay.

Theo cựu đại sứ Raby, Úc nên tìm cho mình một lối đi riêng với chính sách độc lập hơn, tôn trọng các nguyên tắc của riêng mình (thay vì ủng hộ Mỹ như vậy). Bởi dường như “Úc đã trở thành một tài sản thế chấp trong cuộc tranh giành quyền lực” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, và những gì Canberra cần làm hiện tại là đưa mối quan hệ với Trung Quốc trở lại đúng hướng.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục