Quảng Nam: 120 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng cấp năm 2022

12/04/2022 14:37 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngày 12/4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2022 (sản phẩm OCOP).

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và thời gian.

Quảng Nam: 120 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng cấp năm 2022 - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn Quảng Nam tham gia tại các hội chợ (Ảnh: T.H)

UBND tỉnh Quảng Nam xác định chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Bám sát mục tiêu của chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong triển khai chương trình. Chủ động, phối hợp tốt giữa các ngành có liên quan và các địa phương trong tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các địa phương cần ưu tiên đưa nội dung OCOP vào chương trình công tác trọng tâm năm 2022 của đơn vị để chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình.

Phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quảng Nam: 120 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng cấp năm 2022 - Ảnh 2.

Trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm OCOP Quảng Nam vừa mới ra mắt tại thành phố Tam Kỳ (Ảnh: T.H)

"Mục tiêu sẽ có 100 % đơn vị cấp huyện củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hoàn thiện bộ máy tham mưu giúp việc chương trình OCOP các cấp; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới tham gia chương trình OCOP năm 2022 phải được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của chương trình, nhất là nội dung cụ thể các bước trong chu trình OCOP.

Theo đó, về phát triển sản phẩm hỗ trợ phát triển nâng cấp 268 sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2022 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2022 đạt hạng 3 sao trở lên", UBND tỉnh cho biết.

Quảng Nam: 120 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng cấp năm 2022 - Ảnh 3.

Các sản phẩm OCOP của nông dân, HTX, doanh nghiệp tại trung tâm trưng bày, phân phối sản phẩm OCOP Quảng Nam (Ảnh: T.H)

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, sẽ hỗ trợ củng cố, nâng cấp và thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia OCOP; 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đặc biệt, sẽ xây dựng nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện và đảm bảo đến cuối năm 2022, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP. Phấn đấu các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức ít nhất 2 cuộc Hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP, tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Quảng Nam: 120 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng cấp năm 2022 - Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường trong một lần tham quan sản phẩm OCOP của các đơn vị trên địa bàn (Ảnh: T.H)

Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2022 gồm có 120 sản phẩm, chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP Quảng Nam, trong đó có 15 sản phẩm nâng cấp và công nhận lại, chẳng hạn như sản phẩm nâng cấp gồm, sản phẩm Sâm Ngọc Linh ngâm mật ong, Trà sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH Triết Minh (huyện Phú Ninh); sản phẩm nước mắm cá cơm Ngọc Lan của HTX Ngọc Lan Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ); sản phẩm bánh tráng cuốn Hương Huệ của HTX Nông nghiệp Hương Huệ (địa chỉ huyện Thăng Bình)…

Về việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh đảm bảo đúng quy định, trong đó đợt 1 trước ngày 15/7 tối thiểu 50% sản phẩm đã đăng ký; đợt 2 trước ngày 15/9 đối với số sản phẩm còn lại.

Quảng Nam: 120 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng cấp năm 2022 - Ảnh 5.

Một trong hai sản phẩm OCOP là Sâm Ngọc Linh ngâm mật ong, Trà sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH Triết Minh tham gia nâng cấp trong năm 2022 (Ảnh: B.L)

"Đối với các sản phẩm, ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO....Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp. Sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện.

Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhãn hàng hoá đúng quy định...", UNND tỉnh cho biết.


Trương Hồng
Cùng chuyên mục