Quảng Nam: Agribank "bơm" hơn 10 nghìn tỷ vào lĩnh vực tam nông
Hơn 10 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển tam nông
Ông Hà Thạch – Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua đơn vị luôn chủ động và tích cực triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển "tam nông" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Để việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao, Agribank Quảng Nam luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để có các kế hoạch khai thác, cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho người dân.
Với vai trò chủ đạo, chủ lực trong việc cung ứng vốn tín dụng để phát triển kinh tế trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cuối tháng 6/2021 đạt 10.282 tỷ đồng, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực nông thôn so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 74% (đây là tỷ lệ cao nhất so với các chi nhánh ngân hàng thương mại khác trên địa bàn).
Đến 30/6/2021, nguồn vốn huy động toàn Chi nhánh đạt trên 21.011 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 13.818 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 10.282 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74,4% trên tổng dư nợ, với 42.119 khách hàng.
Ông Thạch cho biết thêm, nhằm đổi mới phương thức chuyển tải vốn tín dụng một cách kịp thời, hiệu quả, phục vụ đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Agribank Quảng Nam đã ký kết Chương trình phối hợp với các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng để bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc chuyển tải vốn tín dụng qua kênh các Tổ vay vốn do đoàn thể quản lý bước đầu đạt được những kết quả tương đối khả quan, đến 30/6/2021, toàn tỉnh có 866 tổ vay vốn hoạt động với 11.981 thành viên, đạt dư nợ 1.048 tỷ đồng.
Do đặc thù của vùng kinh tế nên hầu như các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thường xuyên phải đối mặt với rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết, bão lũ. Do vậy để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn khi gặp phải rủi ro, Agribank Quảng Nam đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, cho vay mới nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục lại sản xuất, ổn định kinh doanh.
Bên cạnh đó, để chia sẻ khó khăn cho chính khách hàng vay vốn không may gặp phải rủi ro, Chi nhánh đã phối hợp Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Abic) - Chi nhánh Đà Nẵng thực hiện bảo hiểm đối với khoản vay của khách hàng thông qua sản phẩm bảo an tín dụng. Từ 2011 đến nay, đã có 405 trường hợp được Abic chi trả quyền lợi bảo an tín dụng cho khách hàng với tổng số tiền lên đến 17 tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn cùng khách hàng
Ông Thạch cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng do thiên tai, cũng như trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Agribank Quảng Nam đã triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Agribank.
Đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 gặp khó khăn tạm thời do thiên tai, dịch bệnh đều được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Agribank với dư nợ 374,5 tỷ đồng.
Hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021, số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 năm 2021 (triển khai từ ngày 01/3/2021 đến hết ngày 30/11/2021) 500 tỷ đồng. Giảm 10% lãi suất cho vay đối với khách hàng còn dư nợ đến 15/7/2021, và giảm tối đa đến 10% lãi suất cho vay các khoản giải ngân từ ngày 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng trong năm 2021 là 50 tỷ đồng.
Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán từ ngày 17/5/2021 với số tiền gần 5 tỷ đồng trong năm 2021. Hỗ trợ số khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão Molave cuối năm 2020, phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh như Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 3 của Tổng công ty IDICO-CTCP…
"Với hàng loạt cơ chế, chính sách kết hợp cùng những giải pháp cụ thể thiết thực, Agribank Quảng Nam đã góp phần hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, dần ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh nhà, góp phần đồng hành cùng Chính phủ và ngành ngân hàng thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế"…, ông Hà Thạch – Giám đốc Agribank Quảng Nam nói.