Quảng Nam: Người dân Bắc Trà My phấn khích nhờ Nông thôn mới
Miền núi Bắc Trà My khởi sắc
Đẩy mạnh và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, diện mạo đường làng, ngõ nóc ở vùng cao Bắc Trà My thay da, đổi thịt từng ngày.
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cho biết: Huyện Bắc Trà My có 12 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM ngoại trừ thị trấn Trà My. Đến nay, bình quân chung đạt 13,83 tiêu chí/xã. Trong đó, 3 xã ba xã đạt chuẩn, về đích giai đoạn 2015-2020 là Trà Tân, Trà Dương và Trà Đông giữ vững và có kế hoạch chi tiết, thực hiện nâng cao tiêu chí, đảm bảo theo lộ trình, không để rớt tiêu chí. Hai xã phấn đấu về đích giai đoạn 2021-2025 là Trà Giang và Trà Sơn đều đạt lần lượt 17/19 và 16/19 tiêu chí.
Trong xây dựng NTM đã triển khai nhiều cuộc thi giúp người dân hăng say trong công tác làm đẹp thôn, xóm, đó là cuộc thi "Khu dân cư NTM kiểu mẫu" và "Vườn - Tường - Đường đẹp" năm 2021, các địa phương NTM của huyện Bắc Trà My đoạt được đến 4 giải là minh chứng rõ nét.
Trong đó, đoạt cúp và giải nhất phần thi vườn đẹp với khu vườn của hộ ông Nguyễn Quảng Hiệp (thôn Dương Trung, xã Trà Dương) và khu vườn của hộ bà Đào Thị Thanh (thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn) còn đoạt giải Khuyến khích phần thi này. Nội dung tường rào, cổng ngõ đẹp, hộ bà Lê Thị Luyến (thôn 1, xã Trà Tân) đoạt giải khuyến khích. Tuyến đường từ ngã 3 cống ông Mật đến nhà ông Lê Rô (thôn 1, Trà Tân) đoạt giải khuyến khích phần thi đường đẹp.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: "Có thể nói rằng, xây dựng NTM ở huyện Bắc Trà My, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nên được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã vào cuộc, đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức, hành động của cán bộ đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM, nhất là vai trò chủ thể của người dân ngày càng được thể hiện. Từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM".
Ông Thái Hoàng Vũ nói thêm, bên cạnh nâng chất bộ mặt huyện, chính trị ra, huyện Bắc Trà My còn chú trọng đến việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gọi tắt là OCOP, thực hiện gắn với chương trình xây dựng NTM còn cộng hưởng, khuyến khích và tạo sinh kế cho nhiều người dân có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả; đồng thời tạo dựng, khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh địa phương.
Đến nay, toàn huyện có 11 hộ cá thể và hợp tác xã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2021 đã được công nhận. Riêng trong năm 2021, có 2 sản phẩm được công nhận 3 sao cấp tỉnh gồm Mật ong Trà My Thanh Hà (xã Trà Giang), Đèn Mỹ nghệ quế Thái Hoà (xã Trà Giang) và 1 sản phẩm Tinh dầu quế Trà My Minh Phúc (xã Trà Giang) được nâng cấp, công nhận lên 4 sao.
"Nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đa chiều trong xây dựng NTM, huyện đang tập trung xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài huyện.
Gần đây nhất, hai dự án trọng điểm là Nhà máy nước sạch và Nhà máy phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Trà My đã được UBND tỉnh công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện. Hai dự án này đang rất khả thi, đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Khi thực hiện sẽ giải quyết căn bản nhu cầu thiết yếu về nước sạch và xử lý rác thải, góp phần chỉnh trang cảnh quan, môi trường, xây dựng NTM" ông Vũ chia sẻ.
Chung tay giúp người dân xóa nhà tạm
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết thêm: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hầu hết người dân đều hiểu rõ chủ trương, giải pháp của địa phương về thực hiện xây dựng NTM. Phần lớn đều đồng thuận, hợp tác với nhà nước khi thực hiện các công trình dân sinh, cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh những mặc đạt được, vẫn còn nhiều cái khó, khó nhất vẫn là tiêu chí về giảm nghèo và thu nhập. Tuy nhiên, cùng với các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và trung ương, toàn hệ thống chính trị huyện và các xã còn tập trung huy động xã hội hóa, huy động sức dân đóng góp, lồng ghép để cùng thực hiện.
"Chương trình xây dựng NTM đa mục tiêu và có tính xây dựng. Hiệu quả xã hội mang lại rất thiết thực nhất là cải thiện cơ sở hạ tầng dân sinh, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển văn hóa, tinh thần, thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn miền núi. Nhất là công tác xã hội hóa giúp người dân xóa được nhà tạm với mục tiêu "an cư mới lập nghiệp" nhằm mục đích nâng cao thu nhập", ông Vương chia sẻ.
Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My cho biết: Các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu và dân sinh được tập trung đầu tư xây dựng ngày một khang trang và trải đều khắp thôn, xóm cụ thể, nhất là việc xóa nhà tạm cho người dân.
"Đối với xã Trà Giang, qua rà soát, toàn xã còn có 21 hộ dân nghèo, ở nhà tạm bợ. Trong năm 2021, hệ thống chính trị toàn xã kêu gọi, huy động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng được 19 căn nhà kiên cố.
Như hộ ông Nguyễn Văn Luận (53 tuổi, dân tộc Cor, trú tại nóc 3, thôn 1, xã Trà Giang) là một trong số đó. Nhiều căn nhà xây xong có giá trị lên đến 140 triệu đồng, bà con rất phấn khởi. Hiện còn 2 căn nhà tạm, trong năm 2022 này xã tiếp tục kêu gọi, vận động và cũng đã có nguồn, hiện đang tiến hành hỗ trợ xâ dựng, trong tháng 6 tới thì hoàn thành và xã đạt tiêu chí về Nhà ở trong xây dựng NTM" ông Bình nói.
Trong ngôi nhà mới khang trang, ông Nguyễn Văn Luận (53 tuổi, dân tộc Cor, trú tại nóc 3, thôn 1, xã Trà Giang) bị tật bẩm sinh, lưng gù, người thấp còi, thường ngày chỉ đi làm thuê cho người dân địa phương để kiếm sống. Gia đình luôn túng quẩn, ở nhà tạm bợ, trong năm 2021, gia đình ông mừng rơi nước mắt khi được xã vận động các nhà hảo tâm, xây dựng được căn nhà ở kiên bố, bền chắc, trị giá gần 90 triệu đồng.
"Cả nhà mình mà không được xã huy huy động giúp làm được cái nhà thì phải ở nhà lụp sụp, dột nát miết, không biết đến bao giờ mới được an cư. Nay có được ngôi nhà mới rồi nên không lo chỗ ở nữa, chỉ cố mà lo làm ăn kinh tế để mà có đủ ăn, thoát nghèo…", ông Luận phấn khích.