Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đời

21/03/2022 06:26 GMT+7
Thời gian qua, các hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam được triển khai hiệu quả, nhờ đó đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu.

Đổi đời nhờ "bệ phóng" tín dụng chính sách

Những năm qua, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho đời sống người dân TP.Hội An. Nhiều mô hình sản xuất kinh tế tiêu biểu đã được hình thành và phát triển nhờ "bệ phóng" tín dụng chính sách.

Bà Nguyễn Thị Mỵ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP.Hội An cho biết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả, điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Sau với mô hình trồng quất cảnh.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đờ - Ảnh 1.

Được vốn tín dụng chính sách tiếp sức gia đình bà Nguyễn Thị Sau ở xã Cẩm Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam xây dựng được mô hình trồng quất cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH TP.Hội An đến thăm mô hình trồng quất cảnh của hộ bà Nguyễn Thị Sau (SN 1964) ở thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà, TP.Hội An.

Trò chuyện cùng phóng viên Etime, bà Sau chia sẻ: Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng làm lao động tự do, cuộc sống rất khó khăn, năm 2012 gia đình bà được NHCSXH TP.Hội An cho vay 30 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển kinh tế.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đờ - Ảnh 2.

Mô hình trồng quất cảnh của gia đình bà Sau cho lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Hậu.

Đến 20/3/2022, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An là 177.283 triệu đồng, tăng 11.257 triệu đồng so với đầu năm, riêng tại xã Cẩm Hà có 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 542 hộ vay, ủy thác qua 3 Hội đoàn thể, tổng dư nợ là 20.037 triệu đồng, là địa bàn không có nợ quá hạn, tổng số tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 1.264 triệu đồng.

Bà Sau cho biết, ở TP.Hội An mô hình trồng quất cảnh bán Tết rất thịnh vượng, vì vậy sau khi được tiếp vốn vợ chồng bà đã nghiên cứu, học hỏi các hộ trồng quất cảnh đi trước để xây dựng mô hình.

Ban đầu do vốn ít nên gia đình đầu tư khoảng 100 chậu quất cảnh mỗi năm, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, theo thời gian mô hình trồng quất cảnh phát triển ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, cứ thế vợ chồng bà mạnh dạn tăng số lượng chậu quất theo từng năm.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đờ - Ảnh 4.

Mô hình trồng quất cảnh phát triển ổn định, nhờ đó đã giúp gia đình bà Sau thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu. Ảnh: Trần Hậu.

Cũng nhờ mô hình trồng quất cảnh mà gia đình bà có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến năm 2017, gia đình bà đã hoàn trả vốn cho ngân hàng đúng thời hạn.

Nhận thấy mô hình trồng quất cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn phát huy hiệu quả, gia đình bà tiếp tục vay 100 triệu đồng của NHCSXH TP.Hội An theo Chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô sản xuất.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đờ - Ảnh 5.

Vợ chồng bà Sau chia sẻ về quá trình thoát nghèo với phóng viên và cán bộ NHCSXH TP.Hội An. Ảnh: Trần Hậu.

"Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi bán ra khoảng 400 chậu cây quất cảnh, giá bán khoảng 2 triệu đồng/chậu, doanh thu hàng năm khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí gia đình tôi lãi gần 300 triệu đồng. Nhờ đó gia đình tôi khá giả hơn trước rất nhiều, có tiền nuôi con ăn học, xây dựng được ngôi nhà mới…", bà Sau vui mừng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng chồng bà Sau nhớ lại. Nếu năm 2012 không được NHCSXH TP.Hội An cho vay vốn thì không biết cuộc sống gia đình tôi giờ sẽ ra sao nữa? "Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay vợ chồng tôi nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất lớn của chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể. Đặc biệt, là nguồn vốn NHCSXH TP.Hội An đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho gia đình tôi mở rộng mô hình trồng quất, phát triển kinh tế".

Tiếp tục tiếp vốn cho các đối tượng chính sách

"Nhiều nông dân ban đầu xây dựng các mô hình kinh tế khó khăn nhất là nguồn vốn. Tôi thấy NHCSXH có chính sách ưu đãi cho vay đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, qua đó thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu…", ông Dũng chia sẻ.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đờ - Ảnh 6.

Thu nhập ổn định, có của ăn của để gia đình bà Sau đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà cho biết, với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời gian cho vay dài là cơ hội cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Ở Trảng Suối không chỉ có hộ bà Nguyễn Thị Sau mà còn hàng chục hộ dân khác nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo bà Tuyết, cứ hàng tháng Tổ vay vốn luôn gặp mặt các thành viên ngoài việc triển khai nguồn vốn vay còn hướng dẫn bà con cách làm ăn, giới thiệu các mô hình mới có hiệu quả. Nhờ đó, mà việc giải ngân, trả nợ đúng thời hạn không có nợ quá hạn. Thông qua nguồn vốn, bà con địa phương đã phát triển mô hình trồng quất, trồng rau để nâng cao thu nhập…. Đến nay, tổ quản lý 52 hộ vay, với hơn 1 tỷ đồng.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách - “Bệ phóng” cho người dân Hội An đổi đờ - Ảnh 7.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng nghìn nông dân ở TP.Hội An mạnh dạn đầu tư trồng hoa, cây cảnh,…. Ảnh: Trần Hậu.

"Thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hội An để tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, phối hợp với các tổ chức Hội đoàn thể làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, xây dựng nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, Hội đoàn thể nhận ủy thác tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của Nhân dân trên địa bàn..." - Bà Lê Thị Kim Anh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An cho hay.

Trần Hậu - Đoàn Hồng
Cùng chuyên mục