Có vốn ưu đãi "tiếp sức", U50 Đà Nẵng từ hộ nghèo đã vươn lên có cuộc sống sung túc

31/03/2021 14:41 GMT+7
Từng là hộ nghèo hàng năm phải nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) quận Thanh Khê, bà Lê Thị Em (SN 1970), ở tổ 11, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đổi đời nhờ nguồn vốn ưu đãi

Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê cho biết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ dân có được nguồn vốn mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Từ đó, đã giúp nhiều hộ dân đổi đời, điển hình phải kể đến hộ bà Lê Thị Em.

Đà Nẵng: U50 đổi đời nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách bà Lê Thị Em đã có cuộc sống ổn định.

Chúng tôi cùng cán bộ Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê đến thăm hộ gia đình bà Lê Thị Em, được bà Em cho biết, trước đây công việc của bà là lao động phổ thông, công việc hàng ngày là sửa quần áo, chồng bà sửa chữa xe đạp. Thu nhập cũng không đáng là bao, chỉ đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Mong muốn của bản thân là mở một cơ sở may để tăng thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho chị em trong khu dân cư.

Bà Em nhớ lại, năm 2007 thông qua sinh hoạt tại khu dân cư và sự quan tâm của Hội Phụ nữ phường, đã giúp bà tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho hộ nghèo với số tiền 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê để mua 1 máy may để may mặc, sửa chữa quần áo; năm 2009 sau khi trả nợ bà mạnh dạn vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền vay 30 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, bản thân đã mua thêm 2 máy may, một số dụng cụ, thiết bị và tuyển thêm lao động vào làm việc, đồng thời nhận thêm hàng của các công ty may về may gia công.

Đà Nẵng: U50 đổi đời nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh 2.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, công việc của bà đã ăn nên làm ra, ngày càng phát triển không còn thời gian để nhận sửa quần áo cũ như trước đây, cơ sở liên tục đáp ứng được yêu cầu của các công ty lớn như Công ty TNHH Kim Rosa khu công nghiệp Hòa Khánh chuyên xuất khẩu hàng sang Nhật, Công ty dệt may Hòa Thọ Quảng Nam.

Hiện nay, cơ sở may của bà Em ngày càng có nhiều công ty ký hợp đồng gia công đa dạng các mặt hàng áo quần đồng phục, quần áo thời trang, đồ bảo hộ lao động…

"Cơ sở may gia công của tôi phát triển ổn định, từ 2012 - 2018 sau khi trả nợ đúng hạn, tôi tiếp tục được Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê cho vay giải quyết việc làm tổng cộng với số tiền 120 triệu đồng và cứ mỗi lần vay vốn tôi tiếp tục đầu tư mua máy may, máy vắt sổ, máy đóng khuy, nâng cấp mặt bằng, nhận thêm hàng hóa của các nhà may lớn, công ty xuất khẩu về may gia công. Đến nay, cơ sở gia công của tôi đã có 8 lao động thường xuyên, thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng...", bà Em phấn khởi nói.

Được biết, xưởng may của bà đã giải quyết cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhờ được bà Em nhận vào làm việc mà họ có thu nhập ổn định, điển hình như chị Trương Thị Hết, Dương Thị Ngọc Lan…

Đà Nẵng: U50 đổi đời nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Ba (bên trái) – Giám đốc Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê tặng bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong hoạt động tín dụng.

Chị Dương Thị Ngọc Lan, công nhân tại xưởng tâm sự: "Tôi mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình vì thế càng khó khăn hơn. Nhưng nhờ có chị Em nhận về làm tại xưởng may, mà tôi có việc làm bất kể mưa nắng, có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, thời gian gần đây do bệnh tình chuyển nặng, chị Em đã chuyển máy may, chuyển hàng đến tận nhà cho tôi làm. Gia đình tôi thực sự rất biết ơn sự giúp đỡ của chị Em".

Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương

Bà Lê Thị Em, chia sẻ thêm: Có được như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của gia đình còn có sự đồng hành của cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, định hướng cách làm ăn, nhờ vậy đã giúp bà mạnh dạn đầu tư vào cơ sở may gia công.

Hiện mỗi tháng sau khi trả lương công nhân, trừ chi phí gia đình bà Em lãi 20 triệu đồng/tháng, đã giúp gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học đàng hoàng.

Đà Nẵng: U50 đổi đời nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh 4.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê.

Được biết, thực hiện Đề án số 02-ĐA/QU của Ban chấp hành Đảng bộ quận Thanh Khê về "Phát triển dịch vụ trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo". Trong đó, nguồn vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng CSXH sẽ đóng vai trò như "đòn bẩy" cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc mở rộng, duy trì, phát huy hiệu quả, chất lượng hoạt động kinh doanh của các tuyến phố kinh doanh Hàm Nghi, Lê Duẩn, Nguyễn Tri Phương…

Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo; cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay trả nợ đất tái định cư…

"Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê luôn bám sát chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quận, để triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần vào thực hiện chính sách an sinh xã hội, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương…", ông Ba cho hay.

Tính đến cuối năm 2020, Ngân hàng CSXH quận Thanh Khê có 10.963 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ đạt 392.599 triệu đồng, tăng 59.090 triệu đồng, tăng 17,72% so với năm 2019.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục