Quảng Ngãi: Ban quản lý KKT Dung Quất buông lỏng quản lý đất dự án EASTAR KIC như thế nào?
Vòng đời của dự án sau 12 năm cấp phép vẫn chỉ là bãi đất hoang
Theo dữ liệu Etime có được, dự án EASTAR KIC, KKT Dung Quất do Công ty TNHH Eastar KIC Việt Nam (gọi tắt là Công ty KIC) làm chủ đầu tư, được BQL KKT Dung Quất cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 15/8/2008.
Dự án thực hiện tại KKT Dung Quất (thuộc địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) được cơ quan thẩm quyền xác định phù hợp hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Vạn Tường (đất cơ khí và đất công nghiệp khác). Theo đó, BQL KKT Dung Quất phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500…
Quá trình tồn tại cho đến thời điểm này (kể từ khi được cấp chứng nhận đầu tư), dự án EASTAR KIC có 3 điều chỉnh, trong đó cuối cùng (lần thứ 3) là vào ngày 9/1/2012.
Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, ngày 14/12/2009, BQL KKT Dung Quất có Quyết định (số 302/QĐ-BQL), cho Công ty KIC thuê đất diện tích 120.516m2 (bàn giao đất thực địa ngày 15/12/2009 và ký Hợp đồng thuê đất số 14/HĐTĐ ngày 21/12/2009), với thời hạn thuê đến hết ngày 15/8/2078 (69 năm).
Đến ngày 12/7/2011, sau khi được Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi cấp GCNQSDĐ, Công ty KIC đã nộp toàn bộ tiền thuê đất khoảng 9,1 tỷ đồng (trả tiền thuê đất 1 lần).
Tuy nhiên do khó khăn về tài chính nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Công ty KIC đã dừng thực hiện thi công (năm 2011) để hoàn thành dự án. Theo đó đến năm 2015, BQL KKT Dung Quất đã chấm dứt hoạt động của dự án EASTAR KIC (Quyết định số 360/QĐ-BQL, ngày 30/11/2015).
Tại thời điểm kiểm tra gần đây nhất của cơ quan chức năng Quảng Ngãi, dự án đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào cổng ngõ, nhà bảo vệ và một số hạng mục hạ tầng khác, với tổng giá trị thực hiện theo báo cáo của chủ đầu tư là khoảng 40 tỷ đồng.
Quá trình chuyển nhượng khó hiểu của dự án EASTAR KIC
Sau khi dự án bị BQL KKT Dung Quất chấm dứt hoạt động (ngày 30/11/2015), Công ty KIC tìm được đối tác là Công ty Pields Engineering Hàn Quốc (gọi tắt là Công ty Pields) để chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất và tài sản trên diện tích đất dự án.
Theo đó, BQL KKT Dung Quất, đã giới thiệu địa điểm nghiên cứu đầu tư (văn bản số 955/BQL-QLĐT, ngày 18/7/2016) cho Công ty Pields, để đầu tư dự án nhà máy sản xuất Nhựa đường (sử dụng nguồn nguyên liệu thừa Nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng).
Ngày 6/1/2017, Công ty KIC (chủ đầu tư dự án EASTAR KIC) và Công ty Pields ký hợp đồng nguyên tắc, để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán tài sản thuộc dự án (EASTAR KIC).
Trong khi các bên chưa hoàn tất việc mua bán, chuyển nhượng theo quy định pháp luật, thì ngày 19/6/2017 BQL KKT Dung Quất đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Pields, để thực hiện đầu tư dự án nhà máy Nhựa đường Việt Nam.
Tuy nhiên sau đó do Công ty Pields không thực hiện (dự án nhà máy nhựa đường), vì vậy ngày 8/8/2018, BQL KKT Dung Quất đã ban hành quyết định (số 257/QĐ-BQL), chấm dứt hoạt động dự án này (nhà máy nhựa đường Việt Nam).
Đến ngày 21/6/2019, Công ty KIC lại có văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của dự án (EASTAR KIC), cho Công ty TNHH MTV (gọi tắt là Công ty) Hào Hưng.
Theo đó, BQL KKT Dung Quất đã tổ chức buổi làm việc với 2 Công ty (KIC và Hào Hưng) vào ngày 28/6/2019; đồng thời thống nhất cho thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của dự án EASTAR KIC, cho Công ty Hào Hưng.
Vào ngày 9/7/2019, 2 Công ty KIC và Hào Hưng ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng (quyền sử dụng đất và tài sản trên đất), với tổng giá trị là 22 tỷ đồng; được BQL KKT Dung Quất đồng ý nguyên tắc bằng văn bản (số 1329/BQL-QLĐT, ngày 24/7/2019), để Công ty Hào Hưng nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh Nhà xưởng và kho bãi công nghiệp.
Đến ngày 19/8/2019, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng dự án tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Hào Hưng đã thanh toán đợt 1, với số tiền 15,4 tỷ đồng (tương đương 70% giá trị hợp đồng) cho Công ty KIC. Ngày 23/10/2019, Công ty Hào Hưng có văn bản gửi BQL KKT Dung Quất, đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án (đầu tư xây dựng, kinh doanh Nhà xưởng và kho bãi công nghiệp), nhưng đến nay, chưa được BQL KKT Dung Quất giải quyết.
Lý do Công ty Hào Hưng đăng ký đầu tư dự án Nhà máy chế biến gỗ, là không phù hợp với văn bản (mà BQL KKT Dung Quất) đã giới thiệu trước đó.