Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi

23/08/2023 12:42 GMT+7
Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch từ đây cho đến năm 2030, từ ngân sách sẽ thực hiện hỗ trợ cá giống cho các HTX, Tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, để thả nuôi ở các hồ, đập chứa thuỷ lợi trên địa bàn.

Có phát triển nhưng chưa xứng tiềm năng

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 124 hồ chứa thủy lợi, được phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã; trong đó có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ, chủ yếu cung cấp nước phục vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đa số hồ chứa nước nêu trên, có độ sâu hơn 10m và diện tích lưu vực khá lớn, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa.

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 1.

Lồng bè nuôi cá của người dân Quảng Ngãi tại một hồ chứa. Ảnh: Công Xuân.

Đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt trên sông và các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ chứa tự nhiên đã và đang được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện với đối tượng nuôi truyền thống và có giá trị kinh tế cao, như cá chình, thát lát, lăng nha, bống tượng, trắm, điêu hồng…bằng hình thức lồng bè, thả tự nhiên.

Việc nuôi thuỷ sản nước ngọt nói chung, đã cải thiện bữa ăn cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và bước đầu mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế, cải thiện sinh kế cho người nuôi, nhất là người dân khu vực trung du, miền núi, vùng nông thôn khó khăn.

Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, hàng năm trên địa bàn tỉnh, có khoảng 940 ha nuôi thuỷ sản nước ngọt, trong đó khoảng 800 ha nuôi thuỷ sản hồ chứa, còn lại nuôi ở ao hồ nhỏ, sản lượng thu hoạch khoảng 1.700 tấn/năm.

Bên cạnh nuôi thuỷ sản nước ngọt, nhiều cá nhân và tổ chức còn tận dụng được lợi thế từ nguồn mặt nước dồi dào của các hồ chứa, để phát triển theo hướng nuôi trồng kết hợp với các hoạt động dịch vụ, du lịch, tạo sự phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 3.

Kiểm tra cá nuôi. Ảnh: T.T.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc nuôi thủy sản ở các hồ chứa vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế như manh mún, nhỏ lẻ; việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong hồ chưa hợp lý.

Người nuôi đa phần là dân địa phương vùng núi, kinh tế khó khăn nên khả năng đầu tư sản xuất thấp, chưa có sự đầu tư đồng loạt, chưa tận dụng và khai thác hết tiềm năng, lợi thế mặt nước và diện tích hiện có, một cách hiệu quả và bền vững.

Hỗ trợ từ nhà nước là cần thiết

Để khắc phục phần nào những tồn tại nêu trên; tận dụng và phát huy lợi thế mặt nước trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đại diện chính quyền tỉnh nhìn nhận, việc ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là cấp bách và rất cần thiết.

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 4.

Cán bộ nông nghiệp kiểm tra mô hình hỗ trợ tại một hồ chứa. Ảnh: Công Xuân.

Theo đó mục tiêu của kế hoạch này nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo định hướng quy hoạch; không làm ảnh hưởng đến các mục đích sử dụng khác của hồ chứa.

Khuyến khích, hỗ trợ người dân (nuôi) ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt; sử dụng hiệu quả mặt nước hồ, đập nuôi thủy sản kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu thực phẩm tại chỗ, các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường cũng như cung cấp cho chế biến thủy sản.

Qua đó tạo sinh kế, công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời đáp ứng đa mục tiêu trong việc sử dụng hồ chứa nước, góp phần vào việc phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối tượng thủy sản được thả nuôi, thuộc danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định, bao gồm các đối tượng truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép, cá diếc,...và đối tượng có giá trị kinh tế như: cá thát lát, cá lăng nha, cá bống tượng, cá chình, cá trắm đen,...

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 6.

Tiềm năng để phát triển thuỷ sản nước ngọt tại hồ chứa trong tỉnh vẫn còn rất lớn. Ảnh: Công Xuân.

Đối tượng được hỗ trợ là các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác có hoạt động nuôi trồng thủy sản; tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định; hình thức thực hiện là hỗ trợ trực tiếp con giống, với mức 100% chi phí (mua con giống).

Qua tổng hợp nhu cầu thực tế, hiện có 10/13 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số là 55 hồ, đập đề xuất hỗ trợ con giống để thả nuôi quảng canh, với tổng diện tích khoảng 3.000 ha; tổng nhu cầu vốn đến 2030 gần 17 tỷ đồng.

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 7.

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 8.

Cá thu hoạch tại hồ chứa. Ảnh: Công Xuân.

Dự kiến hàng năm từ ngân sách, tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ từ 5 - 10 hồ, đập (tuỳ thuộc vào số lượng Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Tổ chức cộng đồng), với kinh phí từ 700 – 800 triệu đồng.

Phương thức kết nối và tiêu thụ sản phẩm thu hoạch, sẽ tiến hành theo hình thức thu hoạch dần, hoặc thu một lần tùy diện tích lớn, nhỏ của hồ; khuyến khích người nuôi nên thu hoạch trước mùa mưa lũ hàng năm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để tránh thất thoát sản phẩm.

Quảng Ngãi chi ngân sách hỗ trợ nâng tầm hiệu quả nuôi thuỷ sản ở hồ, đập chứa thuỷ lợi - Ảnh 9.

Một khu vực nuôi thuỷ sản ở hồ chứa tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Công Xuân.

Tìm kiếm, tạo mối quan hệ gắn kết sự liên kết giữa nhà nuôi trồng với doanh nghiệp thu mua, chế biến, sản xuất theo đơn đặt hàng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nuôi.

Tiêu thụ cho thị trường nội tỉnh qua các chợ ở nông thôn, cơ sở dịch vụ thu mua cung cấp thuỷ sản, tăng cường quảng bá sản phẩm để cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng…

Công Xuân
Cùng chuyên mục