Quảng Ngãi: “Dọn đường” để mời gọi, thu hút đầu tư nuôi trồng thuỷ sản

17/09/2022 11:56 GMT+7
Khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, các quỹ đất có tiềm năng và khả thi…để xác định những vùng, khu vực có khả năng nuôi tôm trên cát và nuôi trồng thủy sản, được cấp thẩm quyền Quảng Ngãi nhìn nhận là cơ sở quan trọng, để kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này của tỉnh nhà.

Sáng 17/9, trao đổi với PV Etime, đại diện chính quyền Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua nuôi thủy sản (nước lợ và mặn) trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Quảng Ngãi: “Dọn đường” để mời gọi, thu hút đầu tư nuôi trồng thuỷ sản  - Ảnh 1.

Khu vực nuôi hải sản ở Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Qua thống kê trong năm 2021, diện tích nuôi tôm của Quảng Ngãi gần 900 ha, sản lượng thu hoạch đạt 5.836 tấn; nuôi lồng trên biển, với tổng thể tích khoảng 160.000 m3, sản lượng thu hoạch khoảng 525 tấn.

Sự thành công khi áp dụng các mô hình, phương pháp nuôi tiên tiến của nhiều hộ, góp phần hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi, tăng năng suất, sản lượng cao…mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Tình hình nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển cũng có nhiều bước tiến so với trước đó, với khu vực nuôi chủ yếu gần bờ tại các địa phương TX.Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn, với các loài cá biển có giá trị kinh tế như cá mú, cá bớp, tôm hùm.…

Tuy nhiên trên thực tế hiện vẫn còn những hạn chế, như diện tích đất quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đang bị thu hẹp dần; rải rác không tập trung để phát triển thành vùng nuôi tập trung, quy mô lớn…

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ việc nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều vùng nuôi thủy sản thâm canh chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải…dẫn đến khó khăn trong quy hoạch vùng sản xuất tập trung; phát triển nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn; sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu…

Qua tham quan các mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh bạn Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; sự giới thiệu của Bộ NN&PTNT, hiện có một số mô hình, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản rất thành công, mang tính khả thi cao có thể áp dụng, đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn, tập trung để phát triển kinh tế - xã hội; tạo công ăn việc làm cho người dân tại các địa phương ven biển của tỉnh.

Quảng Ngãi: “Dọn đường” để mời gọi, thu hút đầu tư nuôi trồng thuỷ sản  - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, đang kiểm tra một mô hình nuôi thuỷ sản tại huyện Mộ Đức. Ảnh: Công Hoàng.

Vì vậy UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở ngành chuyên môn và chính quyền các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi, khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, các quỹ đất có tiềm năng, khả thi phục vụ việc nuôi tôm trên cát và nuôi trồng thủy sản.

Đánh giá hiệu quả mang lại trong việc nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua và tiềm năng, định hướng phát triển trong thời gian tới…

Trên cơ sở đó, chính quyền các huyện, thị thành xác định rõ những vùng, dự án có khả năng để kêu gọi đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm trên địa bàn của mình, gửi Sở NNPTNT chậm nhất ngày 30/9/2022.

Sở NNPTNT chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan họp bàn, đề xuất việc quy hoạch, phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tương ứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Xem xét xây dựng và đề xuất hỗ trợ cho người dân nuôi trồng thủy sản, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ sinh thái môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Quảng Ngãi: “Dọn đường” để mời gọi, thu hút đầu tư nuôi trồng thuỷ sản  - Ảnh 5.

Một khu vực nuôi thuỷ sản ở Mộ Đức. Ảnh: Công Hoàng.

UBND tỉnh nhấn mạnh, các cấp ngành và địa phương trực thuộc cần chủ động liên hệ, làm việc với các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thành công tại các tỉnh bạn, để mời gọi nghiên cứu tham gia đầu tư tại tỉnh nhà, theo tinh thần liên doanh, liên kết với các hộ nuôi trồng thủy sản, hội nghề cá….

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm những mô hình thành công ở các tỉnh bạn đã thực hiện tốt trong lĩnh vực này.

Công Hoàng
Cùng chuyên mục