Quảng Ngãi phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Quảng Ngãi đặt ra trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh này chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Từ tháng 9 đến nay, lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc các lô hàng nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đó là sản phẩm chuối Nam Mỹ của Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi, ở xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ. Sau hơn 10 tháng trồng, chăm sóc, 25 ha chuối Nam Mỹ cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng khoảng 1.000 tấn. Quy trình từ trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Phan Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý trang trại chuối, Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi cho biết, đây là tiêu chuẩn chứng minh tính an toàn và bền vững của nguồn thực phẩm sản xuất từ nông trại, tiếp cận thị trường toàn cầu.
"Trang trại chuối ở Quảng Ngãi là mô hình thực nghiệm đầu tiên và đã thành công. Đến thời điểm thu hoạch, khách hàng đặt hàng nhiều nhưng chúng tôi không đủ lượng hàng cung cấp cho khách hàng" - ông Phan Văn Thành nói.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu mở ra hướng đi mới cho vùng đất Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Hàng chục lao động địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng mỗi người, một tháng.
Anh Lê Văn Quang, ở xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ cho hay: "Hiệu quả bước đầu từ cây chuối Nam Mỹ hy vọng mở ra hướng mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Quan trọng hơn người nông dân không còn lo đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá như lâu nay".
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã công bố và trao giấy chứng nhận 11 sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 đạt từ 3 sao trở lên. Mỗi chủ thể sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 10 triệu đồng/một sản phẩm. Tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chú trọng khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống.
Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi chia sẻ: "Điều quan trọng hơn nữa là hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP xây dựng một chuỗi giá trị tương đối bền vững. Có như vậy, những sản phẩm OCOP mới có điều kiện để phát triển, có thị trường. Từ đó, tạo điều kiện mang lại thu nhập cho chủ cơ sở, chủ thể sản xuất OCOP , có như vậy mới mang tính bền vững".
Trong 5 năm qua (2015 – 2020), tỉnh Quảng Ngãi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn hơn 6.300 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp từ hơn 59 triệu đồng năm 2015 tăng lên hơn 74 triệu đồng trong năm nay. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm…
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương chú trọng đến nâng cao thu nhập cho người nông dân: "Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ giao các ngành có liên quan nghiên cứu hướng dẫn, giúp bà con nông dân kết nối giữa sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài, tỉnh Quảng Ngãi chủ trương tăng giá trị gia tăng cao trên một diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho tương lai là phải sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao trên một diện tích. Điều đó mới tạo điều kiện cho người nông dân có thu nhập cao"./.