Quảng Ngãi: Thị xã Đức Phổ chuyển đổi số sâu rộng và hiệu quả, góp phần đưa nông sản vươn xa
Chuyển đổi số sâu rộng trên các lĩnh vực
Chuyển đổi số là quy luật tất yếu trên mọi lĩnh vực để hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đi vào thực tiễn của đời sống, thời gian qua thị xã Đức Phổ đã triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số khá tốt và đạt những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp cũng như trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Ông Trần Ngọc Sang – Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết: Chương trình chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện mạnh mẽ trong hơn 01 năm qua. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Thị ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/4/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
"UBND thị xã đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thị xã, bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, vào tháng 12/2022, thị xã đã đưa Trung tâm điều hành thông minh thị xã (IOC) vào hoạt động đánh dấu bước chuyển đáng kể của Đức Phổ. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thông tin từng bước được đầu tư và hiện đại hóa; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản qua trục liên thông giữa 4 cấp đã được thực hiện; nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đưa vào phục vụ người dân và doanh nghiệp; hệ thống Hội nghị trực tuyến đã được đầu tư thông suốt từ Trung ương xuống các xã, phường bước đầu phát huy hiệu quả..." – Ông Sang thông tin.
Hiện nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thị xã và các xã, phường đã thực hiện giải quyết công việc nhanh gọn, chính xác, tạo dựng được niềm tin trong Nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực thi công vụ; số lượng người dân và doanh nghiệp sử dụng các thiết bị thông minh có ứng dụng giao dịch điện tử không ngừng được tăng lên qua từng năm...
Chuyển đổi số giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn
Theo ông Sang, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị xã Đức Phổ cũng không ngoại lệ mà phải thích ứng, phải phát triển mạnh mẽ, với đích đến là phục vụ người dân và doanh nghiệp, mà nhất là người dân sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Những lợi ích từ việc chuyển đổi số phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: các sản phẩm của người dân có thể được đưa lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn,… nhằm hỗ trợ sản phẩm khởi nghiệp các sản phẩm OCOP (Đức Phổ 02 sản phẩm OCOP 4 sao và 08 sản phẩm OCOP 3 sao) trên hệ thống bán hàng online; các hình thức kinh doanh bán hàng đa kênh trên nền tảng số như: sử dụng các công cụ marketing hiện đại, livestream bán hàng, xây dựng nội dung hình ảnh sản phẩm chuẩn marketing, quản lý và chăm sóc khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt,…
Bên cạnh đó, hiện nay thị xã Đức Phố cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn để giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nhất là ứng dụng công nghệ Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời.
"Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau, xúc tiến mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử bằng liên kết chuỗi giá trị..." – Ông Sang nhấn mạnh.
Theo ông Sang, Chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động để áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc bằng phương pháp điều khiển từ xa. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp.Ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp: Big Data, công nghệ sinh học sẽ giúp phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn như: lượng phân bón, thời gian canh tác, phụ thuốc bảo vệ thực vật...