Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến bằng văn bản của 404 đại biểu Quốc hội, trong đó, 356 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 48 đại biểu có ý kiến góp ý cụ thể.
Đối với lĩnh vực xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát với Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về công tác quy hoạch và một số Nghị quyết liên quan, bảo đảm không trùng lặp về nội dung. Cùng với đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch thành phố, quy hoạch chung đô thị của 05 thành phố trực thuộc trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, nâng cao năng lực quản lý đô thị, sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thành phố lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, thiếu trường học, bệnh viện,...
Quốc hội cũng đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện pháp luật quản lý, điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhất là Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đảm bảo chất lượng nhà ở tái định cư, có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán... Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư....
Quốc hội đề nghị cần có biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thông suốt, chất lượng, không để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, Chính phủ cần sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Ngoài ra, chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo quy định. Xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời, lộ trình, biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời khỏi nội đô TP Hà Nội…
Bế mạc kỳ họp, có 486 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, chiếm 97,59 %. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã được chính thức thông qua.