Bộ Xây dựng: Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tạo sự đồng bộ trong quy hoạch

09/11/2022 14:37 GMT+7
Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, điều này tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Bộ Xây dựng cho biết đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện công tác quản lý nhà nước, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Cùng với đó, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là một trong những cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư, phát triển tại khu vực đô thị, nông thôn.

Theo Bộ Xây dựng, mục đích xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Bộ Xây dựng: Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tạo sự đồng bộ trong quy hoạch - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 52 điều (Ảnh: TN)

Quan điểm xây dựng Luật của Bộ Xây dựng nhằm hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách pháp luật về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, nông thôn.

Sau 12 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 7 năm thi hành Luật Xây dựng cho thấy hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh gía quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những hạn chế cần được nghiên cứu, hoàn thiện cho đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ Xây dựng, đề cương Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 3 Chương, 52 Điều. Trong đó, Chương I: Những quy định chung; Chương II: Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương III: Tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương IV: Trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; và Chương V: Điều khoản thi hành.

Quản lý quy hoạch kiến trúc tại vùng nông thôn Hà Nội còn bất cập

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại khu vực nông thôn Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần sớm có những giải pháp để kiểm soát tốt việc xây dựng mới, chỉnh trang cảnh quan và định hướng kiến trúc trong xây dựng, hướng đến phát triển bền vững.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định dành 30% diện tích đất để phát triển đô thị, còn tới 70% diện tích hành lang xanh là khu vực nông thôn. Nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, khu vực nông thôn đang đối diện với thực trạng nhiều làng, xã trở thành "phố làng", cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát.

Bộ Xây dựng: Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tạo sự đồng bộ trong quy hoạch - Ảnh 2.

Cần sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển quy hoạch đô thị và nông thôn tại Hà Nội (Ảnh: TN)

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận định nguyên nhân của tình trạng này một phần do những bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch. Cụ thể, theo Luật Xây dựng 2013, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc đối tượng miễn phép xây dựng, trong khi trên địa bàn các huyện thuộc khu vực đô thị trung tâm đã cơ bản được phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

Một số địa phương thừa nhận, việc thiếu các công cụ về quy hoạch, quy chế, quy định quản lý về không gian kiến trúc cảnh quan cùng với sự phát triển về kinh tế đã khiến bộ mặt nông thôn thời gian qua có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng "đô thị hóa" một cách tùy tiện. Điều này dẫn đến trong quá trình đô thị hóa, kiến trúc công trình phát triển tự phát, lai tạp, mất dần bản sắc địa phương,…

Nhiều chuyên gia quy hoạch nhận định đô thị hóa là quá trình tất yếu tại các vùng ngoại ô Hà Nội, quá trình này làm thay đổi cấu trúc không gian, cảnh quan tại vùng nông thôn của thành phố là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc sớm đánh giá đúng thực trạng, dự báo trước sự phát triển để đưa ra những giải pháp quy hoạch và định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội là hết sức cấp thiết.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục