Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh số tháng 11/2021 đạt 20,3 triệu USD, tăng 14%

08/12/2021 08:50 GMT+7
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex, FMC) thông báo trong tháng 11 đã chế biến được 2.360 tấn tôm đông lạnh thành phẩm, tăng 22% so cùng kỳ năm trước.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã FMC - sàn HoSE) vừa công bố tình hình kinh doanh trong tháng 11/2021.

Cụ thể, trong tháng 11/2021, công ty chế biến được 2.360 tấn tôm đông lạnh thành phẩm, bằng 122% so với cùng kỳ, sản lượng tiêu thụ đạt 1.697 tấn, bằng 107% so với cùng kỳ năm trước và doanh số chung đạt 20,3 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết thêm, trại tôm đã thu hoạch xong, kết thúc mùa vụ đầy khả quan và đang chuẩn bị cho vụ chính năm 2022.

Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh số tháng 11/2021 đạt 20,3 triệu USD, tăng 14% - Ảnh 1.

Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh số tháng 11/2021 đạt 20,3 triệu USD, tăng 14%

Như vậy, lũy kế 11 tháng doanh nghiệp ghi nhận doanh số tiêu thụ 199 triệu USD (4.577 tỷ đồng), tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và gần cán mốc kế hoạch năm (200 triệu USD).

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2021, doanh thu thuần quý này tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.625 tỷ đồng; lợi nhuận gộp 150,7 tỷ đồng, tăng 17%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chi phí bán hàng tăng mạnh (từ gần 43 tỷ đồng lên 84,8 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10 tỷ đồng.

Kết quả, Fimex báo lãi trước thuế 67,3 tỷ đồng và lãi ròng 63,6 tỷ đồng (giảm 9,5% so với cùng kỳ) trong quý III/2021.

Về mức lãi ròng giảm trong kỳ, ban lãnh đạo công ty lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí cước tàu tăng mạnh.

Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng 3.759 tỷ đồng và lãi ròng 176,5 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 17% và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Fimex là 2.713 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản tăng nhiều nhất là tài sản dở dang dài hạn hơn 53 tỷ đồng gồm hơn 28 tỷ đồng dự án Nhà máy Tam An và hơn 21 tỷ đồng dự án Nhà máy thuỷ sản Sao Ta.

Nợ phải trả tăng hơn 85% lên hơn 1.169 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với khoản vay ngắn hạn gần 807 tỷ đồng.

Fimex có hơn 117 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 381,6 tỷ đồng tương đương tiền tính đến cuối kỳ. Hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó, có 723 tỷ đồng thành phẩm (tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020).

Về chi phí bán hàng trong 9 tháng, Fimex phải chi 113,5 tỷ đồng cho chi phí vận chuyển trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 52 tỷ đồng.

Thêm vào đó, công ty còn phải gánh khoản chi phí thuế chống bán phá giá 23,2 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí thuế chống bán phá giá áp dụng cho các công ty xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ theo yêu cầu của luật thế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Thuế suất chống bán phá giá sau cùng áp dụng cho nhóm công ty cho giai đoạn từ tháng 2 đến 30/9/2021 chưa được xác định. Do vậy, số thuế phải trả và chi phí thuế vừa nêu có thể sẽ bị thay đổi theo quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Bộ thương mại Hoa Kỳ.

Trong kỳ, doanh nghiệp này trả cổ tức cho cổ đông lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) hơn 35 tỷ đồng và gần 12 tỷ đồng cho cổ đông là Công ty cổ phần Thực phẩm PAN.


An Vũ
Cùng chuyên mục