Quý II/2024 "thắng lớn", Đạm Cà Mau (DCM) hoàn thành 116% kế hoạch năm sau 6 tháng
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM) đã công bố báo cáo tài chính tóm tắt hợp nhất quý II/2024.
Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt 6.607,4 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng vọt 40% lên 1.319 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tăng 4% lên 20%.
6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau lãi hoạt động tài chính 221 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi (155,1 tỷ đồng), lãi chênh lệch tỷ giá (95,7 tỷ đồng).
Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng khoảng 3,4 lần lên hơn 16 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay đều tăng, lần lượt lên 482 tỷ đồng và 262 tỷ đồng.
Kết quả, Đạm Cà Mau báo lãi trước thuế 980,8 tỷ đồng 6 tháng đầu năm và lãi sau thuế 919,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 70% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi sau thuế hợp nhất 794,8 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau vượt 16% kế hoạch năm.
Giải trình kết quả kinh doanh, Đạm Cà Mau cho biết, trong quý II/2024, nhờ doanh thu tăng cao hơn so với giá vốn, cùng với lợi nhuận hợp nhất kinh doanh dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế quý II tăng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý II, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 16% lên 4.005 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 11,4% lên 3.253,3 tỷ đồng. Kết quả, Đạm Cà Mau báo lãi sau thuế quý II đạt 569,8 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Đạm Cà Mau tăng khoảng 1.500 tỷ đồng lên 16.830 tỷ đồng với 86% là tài sản ngắn hạn (14.525 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm).
Trong đó, trữ tiền ở mức 10.627 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 97% lên 719,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 29% lên 2.789,8 tỷ đồng.
Bảng cân đối cho thấy, tại ngày hết quý II/2024, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau tăng 34% lên 7.051 tỷ đồng. Dư nợ tài chính cũng tăng 75% lên 1.486 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, làm rõ hơn về chiến lược trong năm nay, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết: bức tranh nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan, có sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm 2023. Đạm Cà Mau coi đây là năm then chốt để tăng tốc, ba mũi chiến lược chính gồm: đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Để tăng hiệu quả lợi nhuận, công ty nghiên cứu đa dạng hóa nguyên liệu, nhiên liệu lẫn nhóm sản phẩm phân bón dựa trên tiềm lực sẵn có. Một số dòng phân bón được ông Thanh nhắc đến là: sản phẩm hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh; kích thích sinh trưởng và phân bón lá; phân bón hòa tan.
Trước đó, hồi tháng 4, đơn vị nhận bàn giao nhà máy Hàn - Việt. Qua đó, Đạm Cà Mau sở hữu các nhà máy: Đạm Cà Mau chuyên sản xuất urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm và NPK Hàn Việt với công suất 360.000 tấn/năm. Giai đoạn 2025-2027, năng lực sản xuất các nhà máy kỳ vọng tăng lên 125% công suất thiết kế.