Quý IV sẽ đón sóng lên sàn của ngân hàng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy cho biết, Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Theo kế hoạch, thị trường cổ phiếu do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) quản lý, còn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quản lý thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó, ACB sẽ chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE trong 2 tháng cuối năm nay.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho hay, việc sáp nhập 2 Sở được thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2023, nhưng Ngân hàng khả năng sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE trong năm nay.
Thông tin từ HOSE cho biết, Sở vừa nhận hồ sơ niêm yết của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), hiện đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB thông tin, thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 11 tới.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào cuối năm nay, thay vì giao dịch trên UPCoM như hiện tại. HOSE đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng vào cuối tháng 7 vừa qua.
Có một lý do chung cho việc chuyển niêm yết trên HOSE là nhằm tăng thanh khoản của cổ phiếu và khả năng huy động vốn, đáp ứng yêu cầu của cổ đông. Đồng thời, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán còn là để tuân thủ chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu thị trường chứng khoán.
Cụ thể, đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong năm 2020 để đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.
Dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng chọn HOSE. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Tuy nhiên, trong tổng số 308 triệu cổ phiếu SGB đăng ký, có hơn 201,4 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Trong đó, các thành viên Hội đồng quản trị Saigonbank nắm giữ gần 151 triệu cổ phiếu, tương đương 48,9% vốn điều lệ và gần 50,4 triệu cổ phiếu, tương đương 16.35% vốn điều lệ do Công ty trách nhiện hữu hạn một thành viên Du lịch thương mại Kỳ Hòa sở hữu.
Thời gian còn lại của năm 2020 chỉ còn một quý nên các ngân hàng băng khó kịp hoàn tất các thủ tục để lên sàn, đó là chưa tính đến việc thị trường vẫn đang chịu nguy cơ dịch bệnh
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã đăng ký giao dịch hơn 389 triệu cổ phiếu trên UPCoM. Số cổ phiếu này đã được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) với mã chứng khoán là NAB. Đồng thời, VSD thông báo về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài của cổ phiếu này là 30% vốn điều lệ. Hiện cổ đông lớn nhất của Nam A Bank là Công ty trách nhiệm hữu hạn Rồng Thái Bình Dương với tỷ lệ sở hữu gần 11% và chưa có cổ đông nước ngoài.
Theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, cũng như tăng khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, không chỉ dừng ở UPCoM, Nam A Bank còn lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE sau khi hoàn tất tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo VietA Bank cũng cho biết chuẩn bị đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM trong thời gian tới. Trước đó, các ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long - Kienlongbank (mã KLB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á - BAC A BANK (mã BAB) đã đưa cổ phiếu lên UPCoM và mới nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt - Viet Capital Bank (mã BVB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín - VietBank (mã VBB) khi cùng được giao dịch trong tháng 7/2020.
Hiện tại, một số nhà băng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (BAOVIET Bank)… đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin.
Còn 3 ngân hàng yếu kém (Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - CBBank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu - GPBank) cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) trong kiểm soát đặc biệt hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đang trong quá trình sáp nhập (vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà TP.HCM - HDBank) thì không thể lên sàn. Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), nhận thấy thị trường năm nay không mấy thuận lợi nên đã rút hồ sơ niêm yết trên HOSE từ quý I/2020.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, thực tế, các nhà băng rất muốn niêm yết, nhưng nếu thị trường không thuận lợi sẽ rất khó triển khai. Đó là chưa kể những bất ổn của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay vì Covid-19 khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng e ngại.
Một nhà phân tích tài chính nhận định, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ còn một quý nên các ngân hàng khó kịp hoàn tất các thủ tục để lên sàn, đó là chưa tính đến việc thị trường vẫn đang chịu nguy cơ dịch bệnh.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB, đã lên kế hoạch thì các ngân hàng đều muốn niêm yết sớm, nhưng nếu thị trường không thuận lợi, lên sàn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông thì còn “lợi bất cập hại” hơn.