Quỹ kết dư 29.000 tỷ đồng: Tổng Liên đoàn Lao động chi dùng thế nào?
Gửi tiết kiệm, đầu tư cổ phiếu
Theo Tổng LĐLĐ, đến hết năm 2019, số tích luỹ tài chính công đoàn là hơn 28.364 tỷ đồng. Trong đó, ở cấp Tổng Liên đoàn kết dư 3.793 tỷ đồng; 63 LĐLĐ tỉnh thành và 20 công đoàn ngành trung ương kết dư 10.334 tỷ đồng; 1.269 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (cấp quận/huyện) kết dư 6.644 tỷ đồng; 120.825 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp kết dư 7.593 tỷ đồng (riêng số dư tại cấp cơ sở đã chi hết dịp Tết Nguyên đán 2020). Số dư được gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối. Riêng công đoàn cấp dưới chỉ mua cổ phiếu ưu đãi tại các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá.
Về việc kinh phí công đoàn cấp trên kết dư lớn, trong khi cấp cơ sở không đủ để chi, Tổng LĐLĐ cho rằng, tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn giai đoạn 2016-2019 là 65% để lại cấp cơ sở, năm 2020 tăng lên 70% và đến năm 2025 lên 75%. Riêng với công đoàn phí, tỷ lệ để lại cho công đoàn cơ sở là 60% số thu. Về tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động còn thấp (chỉ 46% tổng số chi), Tổng LĐLĐ cho rằng, đây chỉ cá biệt tại một số công đoàn.
Về định mức chi cho 1 biên chế từ 200-900 triệu đồng/người/năm, Tổng LĐLĐ khẳng định là chi đúng quy định, phù hợp thực tế, vì có công đoàn cùng cấp nhưng quản lý số lao động và đoàn viên khác nhau. Năm 2019, cấp tổng liên đoàn chi 76 tỷ đồng cho 175 cán bộ và lao động hợp đồng (bình quân 434 triệu đồng/người); tại cấp công đoàn quận/huyện, tỉnh thành, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc tổng chi 3.241 tỷ đồng cho 6.754 cán bộ và lao động hợp đồng (bình quân 479 triệu đồng/người/năm). Tổng LĐLĐ cho biết, đang điều chỉnh việc giao dự toán chi hàng năm theo Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Về quản lý sử dụng tài sản là nhà, đất của tổ chức công đoàn, Tổng LĐLĐ thừa nhận, tại 1 số địa phương có việc sử dụng chưa đúng quy định, việc sắp xếp những tài sản này chậm… Sẽ rút kinh nghiệm và đang đẩy nhanh việc này.
Có đúng nguyên tắc?
Trước đó, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, tới hết năm vừa qua, tổng tài chính công đoàn tích luỹ gần 29.000 tỷ đồng. Số kết dư này chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh thành và tương đương.
Liên quan việc Tổng LĐLĐ có số quỹ kết dư lên tới 29.000 tỷ đồng, đem gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng nhà nước, trả lời phóng viên Tiền Phong, một đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ này không can thiệp được vào việc quản lý, sử dụng số quỹ này. “Khoản gửi lãi ngắn hạn này thực tế có thể theo quy định của ngân hàng với lãi suất 6-7%/6 tháng hoặc 1 năm, song có thể vẫn còn khoản lãi 3% “qua đêm” bỏ túi bên ngoài”, vị này nhận định.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định hiện hành của Luật Công đoàn, hàng tháng công đoàn viên phải đóng phí công đoàn bằng 2% mức lương, không thuộc ngân sách nhà nước nên Bộ Tài chính không quản lý. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh giảm mức phí này, vì tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Vừa qua, trước thực trạng trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tổng LĐLĐ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi trình Chính phủ ban hành Nghị định 191/2013 sau khi sửa đổi luật Công đoàn theo hướng quy định hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình sử dụng tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết đến nay vẫn chưa nhận được đề xuất, phối hợp gì từ Tổng LĐLĐ.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả, đa số mang đi gửi tiết kiệm. Đáng chú ý, hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh - liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế cho vay rõ ràng, minh bạch; chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Từ đó, nhiều đơn vị đầu tư khó có khả năng thu hồi vốn.
Về chi, kết quả kiểm toán chỉ rõ, công đoàn cơ sở chi nhiều nhất, với số chi bằng 99,1% số thu, một số nơi chi vượt thu; tiếp đến là công đoàn trên cơ sở (cấp quận/huyện) chi 68,1% so với số thu; mức chi của cấp Liên đoàn lao động tỉnh thành, công đoàn ngành là 45,4%; còn tại Tổng LĐLĐ chỉ chi 8,3% số thu.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định hiện hành của Luật Công đoàn, hàng tháng công đoàn viên phải đóng phí công đoàn bằng 2% mức lương, không thuộc ngân sách nhà nước nên Bộ Tài chính không quản lý. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh giảm mức phí này, vì tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.