Rớt giá, tắc đường xuất khẩu: “Thảm họa kép” với trái cây Việt
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hưng Yên, năm 2020 sản lượng nhãn dự kiến đạt 50.000 tấn; vải 15.000 tấn; cam 33.000 tấn; chuối 66.850 tấn,… Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên, cho biết, đại dịch Covid-19 lần 2 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng.
Năm nay, người trồng nhãn ở xã Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) mất mùa lại mất cả giá. Theo chia sẻ của một số hộ trồng nhãn, thương lái thu mua nhãn tại vườn với giá 11.000 đồng/kg đối với nhãn đẹp. Còn nhãn xấu, chỉ có giá 7.000 đến 8.000 đồng/kg. Thậm chí, có loại còn có 5.000 đồng/kg.
"Các khoản chi phí về thuốc trừ sâu, phân bón, thuê nhân công làm cỏ, riêng thuê người bẻ nhãn đã 400.000 đồng/1 ngày công. Tính ra mỗi năm phải bỏ ra hàng chục triệu đồng cho khẩu chăm sóc, thu hoạch. Giá cả giảm sâu như hiện nay thì người trồng nhãn như chúng tôi không có lãi", một hộ trồng nhãn ở xã Hàm Tử cho hay.
Theo anh Hùng, một thương lái thu mua nhãn cho biết, các năm trước, mỗi vụ có thể thu mua từ 900 đến 1.000 tấn nhãn. Tuy nhiên, năm nay chỉ mua được khoảng 400 tấn.
Thương lái này lý giải, do năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất của nhiều gia đình giảm mạnh. Ngoài ra, dịch Covid-19 trở lại khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng giảm nhiều. Bên cạnh đó, động thái thắt chặt các cửa khẩu của Trung Quốc cũng khiến số lượng lớn nhãn cũng không thể xuất khẩu.
Không chỉ nhãn, cây thanh long vốn là cây ăn quả mũi nhọn về xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk như huyện Buôn Đôn, huyện Cư M’Gar, huyện Ea Kar,… cũng rơi vào tình trạng rớt giá mạnh, đầu ra "bí" khiến người nông dân lao đao.
Các năm trước, giá thanh long dao động từ 7.000 đồng (mùa mưa) đến 15.000 đồng (mùa nắng), với năng suất trung bình 25 tấn/ha/năm thì người nông dân có thu nhập khá từ cây trồng này.
Hiện nay, xã Cư Êbur vào vụ thu hoạch chính nhưng giá thanh long chỉ được thu mua ở mức 2.000– 3.000 đồng/kg đối với hàng loại 1. Giá thấp, thương lái không mua khiến người nông dân "dở khóc dở cười" vì hái cũng lỗ, không hái thì xót.
Không dừng lại ở thị trường trong nước, khoảng một tuần nay, do không có nhân viên kiểm dịch thực vật nên việc xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm… của Việt Nam sang thị trường Mỹ bị ngừng trệ.
Theo đó, hiện tại, để trái cây tươi Việt Nam có thể vào Mỹ, sản phẩm được đóng gói và chuyển đến Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM. Đây là cơ sở chiếu xạ đã được Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận để nhân viên kiểm dịch của Mỹ kiểm tra, kiểm dịch thực vật.
Nếu lô hàng đạt yêu cầu, không có vi sinh vật thì được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Vina T&T Group, một đơn vị xuất khẩu trái cây sang Mỹ thông tin, hiện tại, phía Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của APHIS. Do đó, từ khoảng một tuần trở lại đây, việc xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ bị chững lại.
Ngoài ra, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thông tin thêm, hiện các đơn hàng của công ty bị đứng lại nhưng chưa ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn. Kéo theo đó là các nhà vườn, trang trại cũng chịu ảnh hưởng theo.