Sau 15 năm, buôn bán với Trung Quốc tăng gấp 16 lần
Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" của Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến công tác hội nhập thương mại của Việt Nam.
Chưa đạt mong đợi
Báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA . Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát , bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018.
Kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức hai con số. Trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%.
Cụ thể, thị trường Chile có tốc độ tăng xuất nhập khẩu bình quân cao nhất giai đoạn 2014-2019, với tốc độ tăng 21,6%/năm, trong đó năm 2014 có mức tăng cao nhất đạt 66,2%. Mặc dù có tốc độ tăng cao nhưng tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia trong trị giá xuất nhập khẩu chung của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ, chưa đến 1%.
Riêng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao, gấp 16 lần, trong giai đoạn 2004-2019 (từ 7,2 tỷ USD lên 116,9 tỷ USD). Đây cũng là đối tác thương mại có trị giá xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong trị giá xuất nhập khẩu chung của cả nước (chiếm 19,7% trong năm 2019). "Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại (nhập siêu) với Trung Quốc với trị giá nhập siêu lớn, tăng từ 1,72 tỷ USD trong năm 2004 lên đến 34 tỷ USD trong năm 2019", báo cáo giám sát lưu ý.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nhóm đối tác thương mại FTA bao gồm: ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu, CPTPP có tốc độ tăng trung bình xấp xỉ khoảng 11% trong giai đoạn 2004-2019.
"Mức tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác này có xu hướng giảm dần qua các năm và thấp hơn nhiều so với các đối tác thương mại nhóm đầu", đoàn giám sát lưu ý.
Tốc độ tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc - New Zealand đạt mức thấp nhất trong số các đối tác thương mại FTA với mức tăng trung bình là 9,1%/năm. Trong năm 2005, tốc độ tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc - New Zealand đạt mức cao nhất là 32,8%, trong khi đó trong năm 2009, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với hai đối tác thương mại này lại giảm mạnh 35,6% và là mức giảm sâu nhất trong cả giai đoạn 2004-2019.
Nhìn chung, báo cáo đánh giá: Nhờ có các FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng chưa đạt mức mong đợi, còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng làm giảm tác động tích cực của các FTA tới xuất khẩu của Việt Nam.
Như đối với CPTPP, trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng với hai đối tác CPTPP chưa có FTA trước đây là Canada và Mexico, trong đó xuất khẩu sang Canada đạt 2,689 tỷ USD, tăng 4,1% và xuất khẩu sang Mexico đạt 2,039 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu sang phần lớn các đối tác khác đều giảm, như xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 12,458 tỷ USD, giảm 6,5%, xuất khẩu sang Chile đạt 601 triệu USD, giảm 7,4%, xuất khẩu sang Peru đạt 180 triệu USD, giảm tới 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP, EU sẽ tăng trở lại.
Cần tận dụng tốt ưu đãi
Mức độ tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo các FTA có xu hướng tăng qua các năm. Trong giai đoạn 2015-2018, các FTA có mức độ tận dụng ưu đãi thể hiện thông qua việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ trong các FTA cao như Hiệp định AANZFTA (47,78%), Hiệp định ATIGA (mẫu D - 46,63%), Hiệp định VN-EAEU FTA (43,65%), AIFTA đạt 65%.
Việc tận dụng các ưu đãi có được từ các hiệp định có thể còn tăng nếu Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng trên hàng hóa xuất khẩu bằng việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, chuyển từ gia công sang sản xuất các mặt hàng có giá trị hàm lượng khoa học và sáng tạo cao.
Trên phương diện các ngành hàng, nhiều mặt hàng có tỷ lệ sử dụng C/O đạt từ 92-100% trong các FTA như: ngô, lúa mì, giấy các loại, phân bón, ô tô tải, một số sản phẩm sắt thép, các sản phẩm giày dép, dệt may,... đây là các ngành hàng có lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chưa cao.
Phần lớn các mặt hàng trên như dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm gỗ, thậm chí sắt thép, việc tận dụng ưu đãi là khá khác biệt ở các thị trường khác nhau.
“Như sản phẩm dệt may có thể tận dụng rất tốt ở thị trường Australia và New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng lại không áp dụng được ở các nước như Ấn Độ và khối ASEAN do mặt hàng này không phải là thế mạnh của dệt may Việt Nam”, báo cáo giám sát đánh giá.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát lưu ý cũng có nhiều mặt hàng “mức độ tận dụng ưu đãi khá thấp” tại hầu hết các thị trường cần được cải thiện thêm như các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng (29,04%), điện thoại và linh kiện điện thoại (2,78%), phương tiện (25,33%).
Tuy nhiên, báo cáo giám sát ghi nhận số liệu do các đơn vị cung cấp cũng cho thấy đa số FTA có tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam “được cải thiện dần qua các năm” (năm sau cao hơn năm trước).
Đối mặt nhiều vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp
Theo báo cáo giám sát, hàng năm Việt Nam cũng phải đối mặt với khá nhiều các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Tính đến 5/2020, Việt Nam phải đối mặt với 174 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, gồm 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh và 34 vụ việc tự vệ.
Chỉ riêng năm tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương xử lý 10 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, đồng thời tiếp nhận xử lý 3 vụ việc có nguy cơ bị điều tra. Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất là Hoa Kỳ (34 vụ), Ấn Độ (26 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ), Canada và Úc lần lượt 15 và 11 vụ việc.